Pages

Saturday, August 10, 2013

Thuyền phủ rơm và mối đe dọa Trung Quốc

Union of Concerned Scientists (07/08/2013)

Gregory Kulacki, Chủ nhiệm dự án Trung Quốc và chuyên gia phân tích cao cấp

 

Có một nhóm các nhà phân tích Hoa Kì dường như bị mê hoặc bởi ý tưởng rằng chính sách an ninh hiện nay của Trung Quốc chịu ảnh hưởng tư tưởng quân sự xưa của họ. Trong cuốn The China Threat (Mối đe dọa Trung Quốc), Bill Gertz cho rằng các mưu lược nêu trong Binh pháp Tôn Tử đang chỉ đạo một nỗ lực phối hợp của Trung Quốc mượn tay các nhà phân tích Hoa Kì vô tình "ủng hộ Bắc Kinh"thao túng chính sách của Mĩ .

Kế hoạch của Trung Quốc được hình dung là sử dụng gián điệp và tuyên truyền để chinh phục Hoa Kì mà không cần bắn một phát súng. "Nhóm xanh" của Gertz gồm các nhà phân tích Trung Quốc của Hoa Kì tuyên bố rằng họ nhìn thấu được sự che dấu đó. Mục tiêu của họ là làm cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kì nhận thức được rằng Trung Quốc đang che đậy các chuẩn bị quân sự và ẩn giấu ý đồ hung hăng của họ phía sau những tiếng nói trấn an của "nhóm đỏ" có thế lực gồm các chuyên gia hoặc bị cưỡng ép hoặc bị lừa trong việc hạ thấp mối đe dọa Trung Quốc.

Gertz dường như không xét tới khả năng là những nhà phân tích chắc hẵn "chống Bắc Kinh" bên nhóm xanh cũng có thể bị Trung Quốc thao túng trong việc phục vụ cho mục đích của họ.

Không phải Tôn Tử mà là Gia Cát Lượng?

Vào thời Tam Quốc (220-280 AD) Gia Cát Lượng, một chiến lược gia huyền thoại của Trung Quốc, đã sử dụng một chiến thuật thông minh trở nên bất tử trong câu thành ngữ "thảo thuyền tá tiễn " (草船借箭 - [dùng] thuyền phủ rơm mượn tên). Sự kiện lịch sử mà thành ngữ này xuất phát không được nhiều người biết, nhưng ý nghĩa của nó, như đã được truyền qua nhiều thời đại, chỉ đơn giản là dùng mưu mẹo để sử dụng các nguồn lực của đối phương cho mục đích của chính mình. Theo truyện kể, Gia Cát Lượng đã phái một đoàn thuyền phủ rơm (xem hình minh họa ở trên) ra kình chống lại quân địch và đối phương đã bắn tên vào đoàn thuyền giả này. Ngoài việc làm lộ vị trí đối phương, đoàn chiếc thuyền rơm còn giữ lại được nhiều tên, mà Gia Cát Lượng đã thu gôm lại và chuyển giao cho chủ tướng trước đó vẫn còn ngờ vực về lời hứa ông sẽ trang bị cho binh lính 10.000 mũi tên mới trong vòng ba ngày.

Có thể xảy ra hay không việc giới tuyên truyền quân sự Trung Quốc thay vì che giấu sức mạnh lại cứ phóng đại nó lên và sử dụng các nhà phân tích Hoa Kì để giúp họ làm điều đó? Nhóm xanh có thể không hay rằng mình đang trợ giúp và tiếp tay cho chiến tranh tâm lí của Trung Quốc bằng việc tạo ra ấn tượng quân đội Trung Quốc có vẻ hùng mạnh hơn và có khả năng hơn thực sự hay không?

Nhiều nguồn tin lẫn lộn về Trung Quốc

Trong nhiều thập kỉ qua, Gertz và nhóm xanh đã có hàng trăm bài viết phơi bày các thông tin được cho là bí mật về vũ khí mới của Trung Quốc khai thác các chỗ nhược hình dung được của Hoa Kì. Các nhà phân tích nhóm xanh gọi chúng là vũ khí "sát thủ" (杀手锏sát thủ giản), nhại theo ý một thuật ngữ được giới tuyên truyền quân đội Trung Quốc dùng để mô tả “con át chủ bài” công nghệ giả định mà Trung Quốc có thể dùng để thi thố với Hoa Kì. Bằng chứng về sự tồn tại của nhiều loại vũ khí "sát thủ"như thế này là rất có vấn đề. Các nguồn tin được đồ đoán như là các báo cáo chính phủ Trung Quốc hoặc các tuyên bố về chính sách quân sự chính thức của Trung Quốc xoay ra thường lại là các bài viết trên báo hoặc tạp chí của giới tuyên truyền Trung Quốc.

Lần phất cờ sai lầm mới nhất của nhóm xanh về một nguồn của Trung Quốc xảy ra ngày 30 tháng 7 năm 2013 trên Washington Free Bacon (trang web có khuynh hướng bảo thủ của Mĩ). Điều mà Gertz xác định là "một báo cáo quốc phòng nội bộ của Trung Quốc" về kế hoạch cho một cuộc "chiến tranh nhân dân trên không gian mạng" thực ra lại là một bài viết bốn trang công bố công khai của bốn kĩ sư thuộc Viện Kĩ thuật vệ tinh Thượng Hải , một công ti con của Tổng công ti Khoa học và Công nghệ Không gian Trung Quốc (CASIC) nổi tiếng với những đóng góp cho việc phát triển các vệ tinh thời tiết của Trung Quốc.

Bài viết này có thể tải về được qua cơ sở dữ liệu CNKI của Trung Quốc. Gertz mô tả cái gọi là "báo cáo nội bộ" như là "một cái nhìn hiếm hoi từ bên trong về một trong những chương trình quân sự bí mật nhất của Bắc Kinh." Không phải thế. Ở Trung Quốc hàng năm có hàng trăm bài viết tương tự như thế được công bố. Các nhà phân tích về quốc phòng Trung Quốc đôi khi gọi chúng là "các bài báo rác" mà tác giả  thường cố ý dùng để nối dài danh sách công bố của mình. Chúng thường được viết ra bởi những người có quan tâm đến chủ đề này nhưng không có kiến thức về các chương trình quân sự thực sự.

Trong trường hợp này các tác giả tường thuật một cuộc thảo luận học thuật thú vị về các kết nối quân sự giữa không gian thật và không gian mạng tương tự như những kết nối mà chính tôi nghe tại một hội nghị gần đây ở Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc tại Trường Sa (Hồ Nam). Giống như rất nhiều bài báo loại này, hầu hết những ý tưởng mà bài viết này bàn đến đều được lấy từ các nguồn của Hoa Kì. Mục đích của các tác giả là giới thiệu và giải thích các ý tưởng này cho đối tượng người Trung Quốc, chứ không phải là mô tả các ý tưởng và kế hoạch của Trung Quốc. Chính phủ Mĩ dịch bài viết và đóng dấu "Chỉ sử dụng trong cơ quan" (For Official Use Only) lên bản dịch, mặc dù bài viết đó là phổ biến không giới hạn trên internet. Việc xếp bài vô loại hạn chế có thể là lí do khiến Gertz nghĩ rằng bài viết đó là bí mật, quan trọng, và hiếm hơn so với tình trạng thật của nó.

Nguy hiểm của việc phóng đại

Dù các nhà phân tích Hoa Kì đào bới trong các văn bản của Trung Quốc để tìm ra những câu chữ đáng báo động có thể tin rằng họ đang thực hiện công vụ, nhưng vẫn có nguy cơ thể hiện sai những gì họ phát hiện. Mức độ tự do hành động của Hoa Kì trong khu vực xung quanh Trung Quốc bị ràng buộc bởi chính khả năng của Hoa Kì bao nhiêu thì cũng bị trói buộc bởi mức độ nhận thức của họ về khả năng của Trung Quốc bấy nhiêu. Đánh giá quá cao những khả năng này một cách không cần thiết sẽ gò bó những người ra quyết định khiến họ có thể cảm thấy có nhu cầu phải đáp ứng với hành vi khó chịu hoặc đe dọa Trung Quốc.

Làm cho các giới chức có trách nhiệm ra quyết định của Hoa Kì tin rằng quân đội Trung Quốc mạnh hơn thực tế nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Hơn nữa, hầu hết những tuyên bố giật gân về khả năng của Trung Quốc do nhóm xanh đưa ra ở Mĩ lại được báo chí Trung Quốc lặp lại cũng tạo thêm thuận lợi cho việc làm cho quân đội Trung Quốc trông có vẻ ấn tượng hơn trước mắt dân Trung Quốc. Có lẽ đây là lí do tại sao giới tuyên truyền quân đội Trung Quốc lại công bố rất nhiều bài viết về vũ khí "sát thủ" vốn được coi là bí mật của Trung Quốc.

Lần tới khi nhóm xanh quyết định viết về mối đe dọa Trung Quốc họ có thể sẽ dẹp Binh pháp Tôn Tử sang một bên và sẽ đem câu chuyện về những chiếc thuyền rơm của Gia Cát Lượng ra sử dụng.

No comments:

Post a Comment