Pages

Friday, August 23, 2013

'Thế giới đa hợp’: các bước hướng tới một trật tự thế giới mới

East Asia Forum (14/08/2013)
Tác giả: Ken Henry, ANU, Hu Shuli, Caixin Media, Evan A. Feigenbaum, Đại học Chicago, Amitav Acharya, trường Đại học Mỹ


EAFQ: Thế kỉ châu Á sẽ diễn ra như thế nào?

Ken Henry: Sự nổi lên của châu Á đang định hình lại thế giới. Việc định hình lại này có một cách đi nào đó. Và nó đang xảy ra trong bối cảnh những thách thức toàn cầu thực sự sâu sắc.

Tăng trưởng châu Á đã được khơi mào bằng một làn sóng mới về tự do hóa kinh tế được tạo ra từ bên trong. Sự tăng trưởng đó, và sự phát triển của các công nghệ mới tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu và thương mại đã làm chuyển đổi nền kinh tế bên trong các nước và thị trường toàn cầu.

Khi kinh tế châu Á phát triển, hàng trăm triệu người đã thoát khỏi đói nghèo, nhiều doanh nghiệp mới đã nổi lên và các danh nghiệp cũ đã chuyển đổi, và các chính phủ và xã hội đã hiện đại hóa và hướng ra bên ngoài nhiều hơn.

Chỉ trong 20 năm qua, thị phần của Trung Quốc và Ấn Độ trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng lên gần ba lần, và kích cỡ tuyệt đối hai nền kinh tế này đã tăng lên sáu lần.

Bốn mươi phần trăm các hoạt động kinh tế toàn cầu hiện nay diễn ra ở châu Á. Đến năm 2025, tỉ lệ đó sẽ tăng lên gần một nửa. Đến lúc đó, chỉ riêng ở Trung Quốc sẽ diễn ra một phần tư hoạt động kinh tế của toàn cầu. Châu Á sẽ bao gồm bốn trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Trung Quốc đứng thứ nhất, Ấn Độ thứ ba, Nhật Bản thứ tư và Indonesia thứ mười.

Ngày nay có khoảng 500 triệu người ở châu Á được coi là ‘tầng lớp trung lưu.’ Cho đến năm 2020, số đó dự kiến sẽ tăng lên 1,7 tỉ người, và đến năm 2030 sẽ hơn ba tỉ người, với châu Á lúc đó chiếm khoảng 60 phần trăm của mức tiêu thụ trung lưu toàn cầu.

Tuy nhiên, có những rủi ro. Nhiều quốc gia, trên tất cả các châu lục, đang đối mặt với những thách thức về an ninh nước ngọt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh khí hậu, hủy hoại hệ sinh thái trên quy mô rộng, chủ nghĩa khủng bố quốc gia và xuyên quốc gia, và dân số già cỗi. Sẽ là chính đáng khi mô tả rõ những thách thức này tới tính bền vững của hoạt động con người cả về kinh tế lẫn an ninh. Cách quản lí những thách thức có liên quan với nhau này sẽ có tác động đối với tất cả người dân ở tất cả các nước, và cho tất cả các thế hệ tương lai.

EAFQ: Sự trỗi dậy của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Châu Á?

Hu Shuli (Hồ Thư Lập): sự trỗi dậy của Trung Quốc đã có một tác động sâu sắc đến các nước châu Á khác. Ảnh hưởng đó có thể đang tiếp tục. Cách mà các quan hệ địa chính trị của Trung Quốc với châu Á tiến triển sẽ được quy định một cách đáng kể bởi quan hệ Trung-Mĩ. Về mặt kinh tế, mối quan hệ Trung Quốc với các nước châu Á khác đã được đào sâu thông qua thương mại và đầu tư, làm thành một vùng đệm quan trọng đối với cuộc xung đột và làm giảm bớt căng thẳng trong các mối quan hệ trong khu vực.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, chiến lược tái cân bằng của Washington đối với châu Á đã mang tới sự bất định cho khu vực. Các tranh chấp về Scarborough Shoal và quần đảo Điếu Ngư / Senkaku, cũng như các xung đột khác giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, có thể được hiểu trong bối cảnh này. Các nước trong khu vực đã lợi dụng quyết tâm của Mỹ muốn nắm một vai trò quan trọng trong an ninh châu Á. Họ trông cậy vào sự tham gia của Mỹ cho chiến lược của mình.

Sự hiện diện của Mĩ ở châu Á sẽ chỉ tăng lên khi mà người Mĩ đang từ từ tự rút khỏi Trung Đông và Afghanistan. Đây là một vấn đề đối với Trung Quốc - mối quan hệ của TQ với phần còn lại của châu Á, đặc biệt là các nước láng giềng, đã bị xáo trộn. Các quan chức và các nhà phân tích Hoa Kì thích mô tả mối quan hệ Mĩ-Trung như là một quan hệ về hợp tác và cạnh tranh, mặc dù, trong bối cảnh các quan hệ của Trung Quốc trong khu vực lân cận, Washington và Bắc Kinh rõ ràng là đối thủ của nhau.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước châu Á vẫn mạnh mẽ. Ví dụ, các cuộc đàm phán cho một hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cuối cùng đã bắt đầu sau một thập kỉ chuẩn bị. Các quan chức có một lựa chọn: nếu họ hợp tác với nhau để phối hợp các chính sách, giảm thiểu va chạm và bổ sung lợi thế cạnh tranh của nhau thì họ có thể tạo ra một khu vực thương mại phát triển nổ bùng có thể bù đắp cho sự u ám ở châu Âu và Mĩ, nếu thay vì thế họ lại tập trung vào việc xây dựng những thứ trang trí thì phát triển khu vực và tăng trưởng trong nước sẽ là tồi tệ hơn vì điều đó.
Trung Quốc cũng nên chuẩn bị đầy đủ cho bất kì cuộc khủng hoảng nào nhưng cần nỗ lực hết sức mình để tăng cường quan hệ trong khu vực nhằm tránh đối đầu. Ngoại giao Trung Quốc trong khu vực sẽ cần phải chủ động hơn để tăng cường ảnh hưởng của đất nước này.

EAFQ: Những thách thức ngoại giao cốt lõi mà châu Á đang phải đối mặt là gì?

Evan A. Feigenbaum: Hai thách thức khó khăn có tính chiến lược sẽ thử thách các nhà ngoại giao của khu vực trong những năm tới: một là sự va chạm giữa hội nhập về kinh tế và sự phân mảnh về an ninh, và, hai là sự ưu thế của hình thức hơn chức năng trong các tổ chức mà vai trò có thể giúp giảm thiểu sự năng động đang yếu kém này.

Các thách thức chiến lược trung tâm ở châu Á là kinh tế và an ninh đang ngày càng va chạm nhau. Nói thẳng thừng ra, có hai châu Á, hoàn toàn không tương thích nhau, đã nổi lên rất rõ rệt. Đó là 'châu Á kinh tế’, hiện thân của Tiến sĩ Jekyll (một người có nhân cách phân liệt lúc tốt [TS Henry Jekyll], lúc xấu [Edwald Hyde]- ND)– một Châu Á năng động, tích hợp với 53 phần trăm giao thương hiện đang được tiến hành ngay trong khu vực, và một nền kinh tế khu vực 19 nghìn tỉ USD đã trở thành một động lực tăng trưởng. Và bên cạnh đó là 'châu Á an ninh’, hiện thân thật sự của ông Hyde - một khu vực rối loạn chức năng các cường quốc nghi ngờ nhau, dễ nhiễm chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ, leo thang tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo đá nhỏ và bãi ngầm, và trang bị vũ khí cho xung đột.

Trong bối cảnh Hoa Kì tăng trưởng chậm chạp và châu Âu thắt lưng buộc bụng kéo dài, nhu cầu bản thân châu Á có thể sẽ trở thành một động lực trung tâm hơn cho tăng trưởng khu vực. Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu đối với nhiều nền kinh tế lớn của châu Á, các nền kinh tế này ngày càng cung cấp hàng hóa công cộng liên quan tới kinh tế cho lẫn nhau trong khi theo đuổi các hiệp định liên Á về thương mại, đầu tư và tiêu chuẩn kĩ thuật. Nhưng các ý đồ chiến lược dài hạn, đặc biệt là của Bắc Kinh, gây ra sự lo lắng sâu đậm. Trừ Trung Quốc ra, tất cả các nước châu Á chính yếu, dù có nền kinh tế đang ngày càng hội nhập trong khu vực châu Á, đang cố chuyển hướng xuyên Thái Bình Dương hướng tới Hoa Kì vì nền an ninh của họ.

Khu vực này không thiếu các tổ chức có thể giúp giảm thiểu động lực này. Nhưng các tổ chức khu vực ở châu Á hầu hết là lặp lại vai trò của nhau. Chúng có quá nhiều thành viên, và hầu hết là thiếu chức năng hoặc một bảng mẫu toàn diện để đo lường và đánh giá kết quả một cách hệ thống. Họ đã phát triển thói quen đối thoại, nhưng trao đổi xã giao và hô hào chính trị vẫn còn chiếm ưu thế. Ngờ vực dằng dai và lo lắng lịch sử vẫn còn. Việc người châu Á quan tâm giữ ‘thể diện’ thường có nghĩa là các chủ đề nhạy cảm nhất, từ nhân quyền đến tranh chấp lãnh thổ đều bị né tránh. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) có lẽ là ví dụ tốt nhất cho điều này. Đây là diễn đàn an ninh hàng đầu của châu Á, nhưng tất cả các nguồn xung đột tiềm năng chính đều không có trong chương trình nghị sự.

Một tiếp cận đa phương hiệu quả và có mục đích hơn sẽ bắt đầu với những bài học cần học. Mớ hỗn độn dư thừa hiện có của châu Á phản ánh một giả định cơ bản rằng đối thoại và quá trình mang lại lợi ích bên trong và của chính chúng. Với hầu hết các tổ chức lớn - ASEAN, ARF, APEC và vân vân – tới nay qua nhiều thập kỉ hình thành, các tổ chức có thể giải quyết vấn đề thực sự bằng cách tổng hợp khả năng thực sự cần phải xuất hiện. Vì vậy, chức năng sẽ cần phải quyết định hình thức, chứ không phải ngược lại. Và chức năng cuối cùng sẽ cần phải được gắn bó với năng lực, với những gì có khả năng lớn nhất giữ vai trò quan trọng nhất. Các tổ chức đa phương lớn của châu Á đã cho thấy là gần như không thích hợp cho việc giải quyết vấn đề thực tế. Sẽ là khôn ngoan đối với một nhóm các nước có cùng suy nghĩ thông qua một chương trình hoạt động khiêm tốn nhưng có thực chất cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp tới để quyết định các vấn đề ưu tiên. Sau đó, tùy thuộc vào vấn đề này, các nhà lãnh đạo có thể yêu cầu ARF hoặc APEC, hoặc cơ quan thích hợp, theo dõi với hành động thiết thực. Điều này sẽ bắt đầu đưa tính thích đáng lớn hơn vào các tổ chức khu vực và sự kết nối nhiều hơn giữa chúng với nhau.

EAFQ: Thế kỉ châu Á sẽ thay đổi trật tự thế giới hiện tại thế nào?

Amitav Acharya: Sự trỗi dậy của châu Á đang dẫn tới một trật tự thế giới đa hợp (multiplex). Thuật ngữ này mô tả một tình huống mà tính đơn cực hay quyền bá chủ của Mĩ sẽ kết thúc, có nhiều cường quốc lớn hay sẽ nổi lên, nhưng không nước nào chiếm ưu thế hoặc thậm chí dẫn đầu.
Theo từ điển ‘đa hợp’ là ‘một khu phức hợp bao gồm nhiều rạp chiếu phim’ và dính dáng tới ‘việc là hoặc liên quan đến một hệ thống truyền tải nhiều thông điệp hoặc tín hiệu đồng thời trên cùng một mạch hoặc kênh.’

Trong một thế giới đa hợp, chúng ta sẽ có nhiều nhà sản xuất và diễn viên (quốc gia, vùng, nhóm xuyên quốc gia) dàn dựng vở diễn của riêng họ cùng một lúc. Không có kịch bản duy nhất hoặc vở diễn xảy ra trên một sân khấu thế giới duy nhất, không một nhà sản xuất đơn lẻ hoặc diễn viên (thế lực) độc quyền sự chú ý của chúng ta – điều này tương tự, chẳng hạn, như mạng hỗn loạn, chồng chéo các tổ chức đa phương ('đa phương hỗn độn') đang nổi lên. Đôi khi chúng ta có cùng một vở diễn diễn ra trong nhiều nhà hát khác nhau trong cùng một khu phức hợp, nhưng thường thì có nhiều vở diễn khác nhau trong nhiều nhà hát khác nhau trong cùng khu phức hợp. Khán giả có thể không xem tất cả vở diễn này cùng một lúc. Đó là một thế giới đa dạng và phức tạp, không đồng nhất. Nó không phải là một hình ảnh của ‘một thế giới’ mà của ‘nhiều thế giới.’

Quay về thời những năm 1990, nhà ngoại giao Nhật Yukio Satoh gọi chủ nghĩa đa phương mới xuất hiện lúc đó ở châu Á là một cách tiếp cận đa cực, ở đó cách tiếp cận song phương, đa phương và đột xuất đều cùng tồn tại. Nhưng ý tưởng về một thế giới đa hợp hoặc một trật tự thế giới đa hợp không chỉ có tính khu vực (dù nó có thể mô tả tốt trật tự khu vực châu Á hôm nay), cũng không phải chỉ về các tổ chức đa phương. Nó áp dụng cho môi trường thế giới nói chung, như một hệ quả của sự phân bố lại quyền lực. Ý tưởng đa hợp là một cách thích hợp và chính xác hơn để mô tả trật tự thế giới mới nổi lên và tốt hơn so việc dùng các đặc điểm cạnh tranh khác, chẳng hạn như các thế giới đa cực, đa trung tâm, không phân cực, phân cực mới, G-zero (không có các hình thức tổ chức như G-2, G-7, … -ND) hoặc hậu Mĩ.

Hoan nghênh đến với thế giới đa hợp mà chúng ta sẽ sống trong đó.

----------------------------------------- 
Ken Henry là Chủ tịch điều hành của Viện Chính sách công tại Trường chính sách công Crawford, ANU. Ông là Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Úc và lãnh đạo việc phát triển Sách trắng ‘Australia trong thế kỉ châu Á’ của Chính phủ Australia, phát hành năm ngoái. Ông là thư kí Treasury Úc 2001-2011.

Hu Shuli là Trưởng ban biên tập của Caixin Media (Truyền thông Tài Tân).

Evan A. Feigenbaum là Phó Chủ tịch Viện Paulson, đặt tại Đại học Chicago, và thành viên cao cấp không thường trú về châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Từ năm 2001 đến năm 2009, ông phục vụ tại Bộ Ngoại giao Mĩ trong nhiều nhiệm vụ liên quan đến Châu Á, trong đó có hai lần làm trợ lí Thứ trưởng Ngoại giao.

Amitav Acharya là giáo sư về quan hệ quốc tế, Chủ tịch UNESCO về các thách thức xuyên quốc gia và quản trị, và Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Đại học American, Washington DC.

No comments:

Post a Comment