Pages

Thursday, July 18, 2019

TRUNG QUỐC LIỀU LĨNH ĐÁNH LỬA TRÊN MO KHÍ ĐỐT CỦA MALAYSIA, VIỆT NAM

TRUNG QUỐC LIỀU LĨNH ĐÁNH LỬATRÊN NGUỒN TÀI NGUYÊN KHÍ ĐỐT CỦA MALAYSIA, VIỆT NAM

(CHINA RISKS FLARE-UP OVER MALAYSIAN, VIETNAMESE GAS RESOURCES)

AMTI: 16/7/2019

Hai lần trong sáu tuần qua, cùng một tàu cảnh sát biển Trung Quốc (CSB) đã quấy rối các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trong vùng biển tranh chấp ở hai phía đối diện của biển Đông. Trong khi đó, một tàu của nhà nước Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn các lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Điều này có nguy cơ làm đội tàu CSB và tàu dân quân hộ tống tàu khảo sát đối đầu với một nhóm tàu Việt Nam được điều tới khu vực này. Tình hình này cũng cho thấy một tiêu chuẩn kép: Bắc Kinh tỏ ra quyết tâm ngăn chặn các hoạt động dầu khí đơn phương mới của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào trong “đường chín đoạn”, phân định các yêu sách của họ ở biển Đông, trong khi ngay chính họ lại vẫn thăm dò và khai thác hydrocarbon trong vùng biển tranh chấp.

Theo dấu tàu Haijing 35111 (Hải cảnh 35111)

Tàu CSB Haijing 35111 đã tuần tra vùng biển gần bãi cạn Luconia ngoài khơi bờ biển Malaysia thuộc bang Sarakak trong những ngày cuối tháng 5. Khi ở đó, nó đã ngăn chặn hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza, theo các báo cáo chưa được xác minh trước đó, xuất hiện trên các mạng xã hội một tháng sau đó. Các báo cáo này có kèm các hình ảnh thuyết phục của 35111 trong vùng biển cận giàn khoan. Các bài đăng trên blog của Trung Quốc sau đó, sau khi bị xóa, đã củng cố các báo cáo này và xác định có một tàu thứ hai, Haijing 46302, cũng đã tham gia vào hoạt động xung quanh Sapura Esperanza. Mặc dù AMTI không xác nhận được sự hiện diện của 46302, dữ liệu Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) cho truy cập tự do, mà hầu hết các tàu đi biển trên 300 tấn đều bị đòi hỏi phải phát đi, cho thấy 35111 đang hoạt động trong khu vực đó và có hành vi rất khiêu khích đối với các tàu khác .

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục lực lượng CSB xung quanh bãi cạn Luconia có hầu hết diện tích nằm dưới mặt nước khi triều cao nhưng vẫn được Bắc Kinh và Đài Bắc khẳng định là đảo. Bãi này nằm trên thềm lục địa Malaysia, được bao quanh bởi các mỏ dầu khí mà Malaysia đã khai thác trong nhiều thập kỷ. Các cuộc tuần tra của Trung Quốc thường tập trung vào đá Luconia Breakers, đây là phần duy nhất thuộc bãi Luconia có thể có phần nằm trên mặt biển. Điều đó vẫn là một vấn đề tranh cãi , nhưng nếu đúng thì có nghĩa là đá Luconia Breakers sẽ có lãnh hải 12 hải lý riêng của nó.
Từ ngày 10 đến 27 tháng 5, tín hiệu AIS do Haijing 35111 phát ra cho thấy nó đang tuần tra rất dày đặc khu vực xung quanh đá Luconia Breakers, bao gồm một phần của lô dầu khí SK 308. Lô đó được cấp phép cho Sarawak Shell, một công ty con của Royal Dutch Shell. Sapura Drilling gần đây cho biết họ đã giành được hợp đồng cho giàn khoan Sapura Esperanza để khoan một loạt giếng mới tại mỏ khí đốt tự nhiên F14, một trong ba mỏ mà Sarawak Shell đang phát triển trong lô SK 308.

Tín hiệu AIS cũng cho thấy hai tàu tiếp tế ngoài khơi của Malaysia là Executive Excellence và Executive Courage đã đi lại giữa lô SK 308 và bờ biển Sarawak trong suốt tháng 5, dường như phục vụ cho Sapura Esperanza. Vào ngày 21 tháng 5, tàu Haijing 35111 chạy vòng vèo khiêu khích gần các tàu này đến mức chỉ cách 80 mét. Dữ liệu này củng cố các báo cáo trên mạng xã hội liên quan đến vụ quấy rối Sapura Esperanza của 3511 và cho thấy tàu CSB này có hành vi đe dọa đối với các tàu phục vụ giàn khoan theo kiểu cách có thể cản trở hoạt động khoan.

Haijing 35111 chọn mục tiêu mới

Cuối tháng 5, Haijing 35111 đã quay trở lại cảng ở Hải Nam trong vài ngày trước khi đi về phía nam một lần nữa. Kể từ ngày 16 tháng 6, nó đã tuần tra khu vực biển cách bờ biển phía đông nam Việt Nam khoảng 190 hải lý. Các cuộc tuần tra tập trung vào lô dầu khí 06-01, nằm ở phía tây bắc của bãi Tư Chính (Vanguard) trên thềm lục địa Việt Nam. Bãi này cách thể địa lý trên mặt biển khi triều cao đang tranh chấp gần nhất, tức là đảo Trường Sa, 172 hải lý và nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc.

Lô này là chính yếu đối với dự án Nam Côn Sơn, được BP và ConocoPhillips phát triển vào đầu những năm 2000 để chuyển khí đốt bằng đường ống đến đất liền. Hiện nay, khí đốt tự nhiên từ mỏ Lan Đỏ thuộc lô 06-01 cung cấp tới 10% tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Công ty Rosneft của Nga được chuyển giao điều hành hoạt động lô này vào năm 2013 khi mua lại từ TNK-BP. Vào tháng 5 năm 2018, Rosneft đã ký hợp đồng với Hakuryu-5, một giàn khoan nửa chìm thuộc sở hữu của Công ty Japan Drilling Nhật, để khoan một giếng sản xuất mới trong lô 06-01 tại một mỏ khí thứ hai có tên Lan Đỏ.
Phản ứng trước việc này lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng, “không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào, nếu không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc, có thể thực hiện các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng một cách nghiêm túc các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hòa bình và ổn định khu vực.” Điều này diễn ra sau hai sự cố vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, trong đó các đe doạ của Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải hủy bỏ công việc khoan dầu ở các lô dầu khí gần đó của Repsol Tây Ban Nha.

Có vẻ không hề nao núng, Rosneft đã tiếp tục công việc khoan tại Lan Đỏ và một mỏ khác là Phong Lan Dại trong lô 06-01. Tháng 5 năm 2019, Rosneft đã ký hợp đồng với Hakuryu-5 để khoan một giếng khác trong lô 06-01. Ảnh vệ tinh ở trên xác nhận rằng giàn khoan đã ở tại vị trí vào ngày 18 tháng 5.

Tín hiệu AIS cho thấy hai tàu tiếp tế ngoài khơi của Việt Nam là Sea Meadow 29 và Crest Argus 5 đã đi lại giữa Vũng Tàu trên bờ biển Việt Nam và lô 06-01 thường xuyên kể từ tháng 5 để phục vụ Hakuryu-5. Vận dụng chiến thuật tương tự được sử dụng quanh Sapura Esperanza, Haijing 35111 đã hoạt động một cách đe dọa gần các tàu này trong một nỗ lực rõ ràng để đe dọa chúng. Ví dụ, vào ngày 2 tháng 7, khi hai tàu này rời Hakuryu-5 thì 3511 lượn lách giữa chúng với tốc độ cao, chạy qua cách hai tàu này trong vòng 100 mét và cách giàn khoan chưa đến nửa hải lý.
35111 tiếp tục hoạt động xung quanh Hakuryu-5, được báo cáo là đang trong hợp đồng từ 60 đến 90 ngày. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành mục tiêu của họ và việc khoan vẫn tiếp tục, mặc dù các hoạt động có bị cản trở hay không vẫn chưa được biết. Màn diễn này cũng cho thấy giá trị của các đảo nhân tạo Bắc Kinh đối với chiến thuật vùng xám của nó ở biển Đông. Sau khi tuần tra lô 06-01 trong gần một tháng, 35111 đã đi về tiền đồn Trung Quốc trên đá Chữ Thập từ ngày 12 đến 14 tháng 7, có lẽ là để tiếp tế, trước khi quay trở lại vị trí của nó gần Hakuryu-5.

Trung Quốc nâng mức liều lĩnh cao hơn

Ngày 3 tháng 7, Haiyang Dizhi 8 (HV là Hải Dương Địa Chất 8), một tàu khảo sát thuộc của Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc, đã bắt đầu khảo sát một khu vực rộng lớn dưới đáy biển phía đông bắc lô 06-01. Các hoạt động của nó đã được Ryan Ryan Martinson thuộc Trường Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ và những người khác mạng xã hội theo dõi gần như theo thời gian thực gần đây.

Haiyang Dizhi 8 đang thực hiện một cuộc khảo sát dầu khí trên hai lô, Riji 03 và Riji 27 (gần ứng với các lô 130-132 và 154-156 của PetroVN). Trung Quốc đã tuyên bố hai lô này và bảy lô khác ngoài khơi Việt Nam mở cho đấu thầu nước ngoài vào năm 2012, dù không có ai tham gia. Thời gian khảo sát có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng có vẻ có nhiều khả năng có ý trừng phạt Việt Nam vì đã cho phép Rosneft khoan trong lô 06-01. Dù là gì, điều đó là quá khiêu khích. Hai lô này nằm gọn trong vòng 200 hải lý của Việt Nam. Cuộc khảo sát đang được tiến hành chỉ cách thể địa lí nổi khi triều cao đang tranh chấp gần nhất là đảo Trường Sa 18 hải lý. Các lô này cũng nằm ngay phía bắc của các nhà giàn DK-1 cô lập và cực kỳ dễ xâm hại mà Việt Nam đóng trên thềm lục địa phía tây nam quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã bảo đảm rằng tàu khảo sát được bảo vệ tốt. Ít nhất bốn tàu CSB đã hộ tống nó trong cuộc khảo sát. Tàu Haijing 37111 và hai tàu CSB không xác định đã đi cùng với Haiyang Dizhi 8 kể từ ngày 3 tháng 7. Tàu 12 000 tấn Haijing 3901, một trong các tàu chấp pháp lớn nhất thế giới, cũng có mặt tại chỗ nhưng chỉ truyền tín hiệu AIS vào ngày 6 và 10 tháng 7. Ít nhất một tàu dân quân biển được biết đến, Qiong Sansha Yu 00114 (HV: Quỳnh Tam Sa Ngư 00114), cũng tham gia hộ tống, có truyền tín hiệu AIS vào ngày 13 tháng 7.

Việt Nam đã phản ứng việc khảo sát bằng cách phái các tàu chấp pháp theo dõi Haiyang Dizhi 8. Ít nhất hai tàu, KN 468 và KN 472, rời Vịnh Cam Ranh và đã theo dõi tàu khảo sát kể từ ngày 4 tháng 7. Dữ liệu của AIS cho thấy tàu khảo sát tiếp tục hoạt động, được bao quanh với tàu hộ tống CSB tìm cách tống khứ các tàu Việt Nsẽam đang cố can thiệp.
Tình hình tại lô 06-01 lẫn xung quanh cuộc Khảo sát dầu khí đang diễn ra của Trung quốc đều sôi bỏng và nguy hiểm. Với tình trạng so kè sát bên nhau và hành xử khiêu khích đang diễn ra, có nguy cơ rõ rệt một vụ va chạm vô tình có thể dẫn đến leo thang. Đồng thời, áp lực đang được bồi tụ lên cả hai phía để thừa nhận và giải quyết vấn đề này khi có nhiều chi tiết bị rò rĩ thêm ra công chúng. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Trung Quốc từ ngày 8 đến 12 tháng 7, mang lại cho cả Hà Nội và Bắc Kinh một động lực để giữ cuộc khủng hoảng không bị tăng thêm. Nhưng điều đó đang thay đổi, khi Bộ Ngoại giao tại Hà Nội ngày 16 tháng 7 đưa ra câu trả lời đầu tiên, mập mờ thừa nhận cho câu hỏi về tình hình, trong đó nhắc lại quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển và đáy biển và lưu ý rằng chính quyền Việt Nam đang thực thi các quyền đó.
Dù cho những sự cố này phát triển như thế nào, các hành động của Trung Quốc đối với bờ biển Malaysia lẫn Việt Nam từ tháng 5 cho thấy Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng sử dụng cách cưỡng ép và đe dọa vũ lực để ngăn chặn các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng, trong khi chính họ lại theo đuổi hoạt động thăm dò năng lượng vùng biển tranh chấp.