Pages

Sunday, October 22, 2017

Chạy đua vũ trangở biển Đông: một huyền thoại

Chạy đua vũ trangở biển Đông: một huyền thoại

(Force Buildup in the South China Sea: The Myth of an Arms Race)
cogitASIA (12 tháng 10 năm 2017)
Alexander L. Vuving (Vũ Hồng Lâm)

(Bài dịch đã đăng trên Tiếng Dân 12/10/2017 - phiên bản đăng lúc đầucó ghi một nx sai do tôi đo nhầm khoảng cách từ bg Việṭ- Trung tới Tuyển Châu /Quanzhou thay vì Quảng Châu/Guangzhou)


Tàu khu trục nhỏ Gregorio Del Pilar của Hải quân Philippines và tàu Edsa của Tuần duyên Philippines tham gia vào cuộc tập trận CARAT 2013..

Từ khi biển Đông nổi lên trở lại như một điểm nóng xung đột âm ỉ vào khoảng năm 2008, cách nghĩ thông thường cho rằng căng thẳng trong khu vực này đang thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia nằm ven biển này. Các chuyên gia, các nhà báo, và các nhà bình luận đã nói về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực như là một thực tế, một xu hướng, hoặc một đe dọa đáng báo động. Một tường thuật gần đây trên đài Tiếng nói Hoa Kì nhận xét , “Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở vuông biển Đông đang tranh chấp, một cuộc chạy đua vũ trang đã phát triển giữa các nước có yêu sách trong khu vực.” Một bài bình luận cá nhân trên The National Interest nêu, “Khi căng thẳng ở biển Đông tiếp tục leo thang, cuộc chạy đua vũ trang này đặt ra một mối đe dọa đáng kể cho an ninh trong khu vực.” Một tựa lớn trên blog Lawfare viết , “Hải chiến: cuộc chạy đua vũ trang ở biển Đông leo thang”; một tựa lớn trên CNBC  ghi là , “Chi tiêu quốc phòng châu Á: cuộc chạy đua vũ trang mới ở biển Đông.”
Khi quan sát kỹ hơn các sự kiện và xu thế thì sẽ thấy khác đi. Nếu một cuộc chạy đua vũ trang là một nỗ lực để được ngang bằng hoặc vượt trội đối thủ của mình, thì Malaysia, Philippines và Việt Nam sẽ không theo kịp Trung Quốc, và cũng không theo kịp lẫn nhau. Ba nước Đông Nam Á yêu sách chính ở biển Đông này ít có ý định tìm kiếm sự ngang bằng hoặc ưu thế về quân sự. Thay vào đó, tham vọng lâu dài của họ là điều có thể được gọi là "ngăn chặn tối thiểu". Họ muốn xây dựng đủ năng lực để làm cho những kẻ xâm lược tiềm năng phải suy nghĩ hai lần trước khi tấn công họ. Và mục đích của việc ngăn chặn tối thiểu này rõ ràng là một mục tiêu dài hạn, vì cả ba nước đều phải vượt một chặng đường dài trước khi đạt được điều đó.
Hầu hết việc mở rộng thêm lực lượng gần đây, quân sự cũng như bán quân sự, của Malaysia, Philippines và Việt Nam trong hai thập kỷ qua là để thu hẹp khoảng cách đang có trong khả năng phòng thủ của họ. Các thiếu sót này tồn tại trong nhiều năm quathậm chí hàng thập kỉ qua trong một số trường hợpnhưng đã lấy hành động quyết đoán của Trung Quốc trực tiếp chống lại họ để xúc tác cho nỗ lực nghiêm túc trong việc lấp đi khoảng cách. Sự hung hăng của Trung Quốc đã dấy lên sự cạnh tranh từ Việt Nam, và ở một mức độ thấp hơn từ Philippines, nhưng điều này nên được mô tả chính xác hơn như là một “sự cạnh tranh tốt thiểu,” không phải là một cuộc chạy đua vũ trang.
Một cách để xem có một cuộc chạy đua vũ trang đang được diễn ra hay không là xem xét chi tiêu quân sự như một phần của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ước tính của SIPRI gợi ra rằng trong 15 năm qua, không có đối thủ chính nào trong tranh chấp biển Đông đã tăng đáng kể tỉ lệ chi tiêu quân sự theo GDP. Ngoài ra, không một quốc gia nào trong số này chi tiêu hơn 2,5% GDP cho quân đội (ngoại trừ Malaysia với 2,6% năm 2003).
Với một nền kinh tế lớn và phát triển nhanh, Trung Quốc đã có thể duy trì một mức chi tiêu ổn định cho vũ khí trong suốt thời kỳ này. Theo ước tính của SIPRI, chi tiêu quân sự của Trung Quốc là 1,9% trong gần suốt thập kỷ 2007-2016, thời kì Trung Quốc gia tăng sự quyết đoán và có một làn sóng căng thẳng mới ở biển Đông. Trung Quốc đã chi hơn một chút, khoảng 2 và 2,1% GDP, trong 4 năm 2003-2006, khi căng thẳng tương đối thấp ở khu vực này.
Trái với sự tin tưởng chung, cả Malaysia lẫn Philippines đều giảm mức chi tiêu quân sự theo phần trăm GDP trong suốt 15 năm qua. Sự suy giảm mạnh nhất đã xảy ra ở Malaysia, tỉ lệ này giảm từ 2,6% năm 2003 xuống còn 1,4% năm 2016. Ở Philippines, chi tiêu quân sự cũng giảm từ 1,6% năm 2003 xuống còn 1,3% năm 2016. Biệt lệ trong những nước này là Việt Nam, tỉ lệ đã tăng nhẹ từ 2,1% năm 2003 lên 2,4% vào năm 2016. Nhưng thập kỉ 2007-2016 không chứng kiến sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ GDP của ngân sách quân sự Việt Nam.
Một cách uyển chuyển hơn để phát hiện các cuộc chạy đua vũ trang là so sánh sự tăng trưởng thực sự trong chi tiêu quân sự của các nước này. Khi căng thẳng ở biển Đông bắt đầu một làn sóng mới khá lâu trong năm 2007-2009, chúng ta hãy lấy năm 2007 làm điểm xuất phát (Xem Hình 1). Theo chi tiêu cố định bằng US$ năm 2015, khoản chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng 2,2 lần trong giai đoạn 2007-2016. Trong cùng kì, Việt Nam tăng 1,8 lần và Philippines 1,4 lần, trong khi đó Malaysia hầu như không thay đổi. Những con số này khó có thể gợi ra là có một cuộc chạy đua vũ trang.

Hình 1. Tăng trưởng chi tiêu quân sự trong điều kiện thực tế kể từ năm 2007
Nguồn: Tính toán của tác giả, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu chi tiêu quân sự năm 2017 của SIPRI.

Hơn nữa, một cuộc chạy đua vũ trang thường liên hệ đến việc phát triển vũ khí chiến lược. Mặc dù ngày càng hiểu rõ mối đe doạ từ Trung Quốc, không một nước nào trong số các bên yêu sách Đông Nam Á đang phát triển vũ khí chiến lược. Không có bằng chứng Malaysia, Philippines, hoặc Việt Nam mua sắm vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo. Chẳng hạn, Việt Nam đang đầu tư vào phòng thủ ven biển, phòng không và các hệ thống tên lửa chống tàu, nhưng không vào loại tên lửa có thể đặt các thành phố lớn của Trung Quốc vào cảnh bị làm con tin. Loại tên lửa đáng gờm nhất mà Việt Nam , nước khu vực gần Trung Quốc, có hiện nay là tên lửa hành trình P-800 Yakhont có tầm bắn tối đa 186 dặm (khoảng cách từ biên giới Trung-Việt đến Quảng Châu, thành phố lớn gần nhất của Trung Quốc, là khoảng 350 dặm). Việt Nam và Malaysia đang nhắm tới tên lửa hành trình chống tàu BrahMos của Ấn-Nga, có tầm bắn tối đa 280 dặm và có thể đặt trên các tàu ngầm của họ. Việt Nam, Malaysia, và Philippines không có khả năng chiến tranh không gian và chiến tranh mạng đáng kể, và có rất ít bằng chứng về những nỗ lực của họ trong phát triển vũ khí chiến lược trong các lĩnh vực này.

Hình 2. tăng trưởng chi tiêu quân sự trên thực tế kể từ năm 2007
2007
2008
2009
2010
2011
2012
2013
2014
2015
2016
CN
100
113.5
132.6
139.4
150.5
163.4
178.6
193.8
206.5
217.7
MY
100
102.3
96.5
84.3
94.5
90.1
98.2
99.0
106.6
101.0
PH
100
100.0
96.2
101.0
102.7
104.2
118.4
109.3
118.8
142.0
VN
100
98.5
108.2
120.7
112.6
131.2
137.2
152.0
165.7
181.8

Tiến trình của một cuộc chạy đua vũ trang bao hàm rằng việc mở rộng thêm lực lượng quân sự tạo ra bất ổn. Điều ngược lại là đúng đối với việc hiện đại hóa lực lượng của Việt Nam, Philippines và Malaysia. Chỉ khi các nước này có sự phát triển đáng kể về khả năng quốc phòng thì mới có thể cải thiện sự mất cân bằng về sức mạnh đang nghiêng về phía Trung Quốc, vốn đang đe dọa sự ổn định của khu vực. Nếu an ninh khu vực dựa trên việc ngăn chặn sự thống trị của một quốc gia nào đó ở biển Đông thì Việt Nam, Philippines và Malaysia bắt buộc phải tăng mạnh khả năng phòng thủ của mình.

Tiến sĩ Alexander L. Vuving là Giáo sư tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương  về Nghiên cứu An ninh Daniel K. Inouye.


Wednesday, October 11, 2017

Việt Nam trong thời Chiến tranh Lạnh

Chạm trán với Việt Nam
(Encountering Vietnam)

Westad, Odd Arne, 2017, The Cold War: A World History (Chiến tranh Lạnh: Lịch sử thế giới), NY: Basic Books (Ch 12, tr. 313-338.).

(Bản dịch đã đăng trên Tiếng Dân ngày 10/10/2017)

Bià sách 'The Cold War: A World History' 

Cuộc cách mạng Việt Nam (VN) bắt đầu là một cuộc nổi dậy chống lại sự áp bức của thực dân và kết thúc bằng một loạt các cuộc chiến tranh vướng víu sâu đậm với Chiến tranh Lạnh toàn cầu. Nó có nguồn gốc từ việc Pháp thuộc địa hoá Đông Dương vào thế kỉ XIX, hoặc thậm chí xa xưa hơn từ việc Trung Quốc thống trị VN cả ngàn năm. Nòng cốt của công cuộc này là một nhóm các nhà yêu nước cách mạng của VN ở tuổi thanh niên đã trở thành những người hết lòng theo chủ nghĩa Mác và ngưỡng mộ kinh nghiệm của Liên Xô. Đối với những thanh niên này, yêu nước và chủ nghĩa Marx là một. Họ tin rằng chỉ bằng cách phát triển phong trào, quốc gia và nhà nước của mình theo các quy luật phát triển của Marx thì VN mới có thể thực sự thành công trong thế giới hiện đại. Chương trình của họ là lâu dài, bao quát, và không tưởng, nhưng việc thực hiện chương trình đó phụ thuộc trước hết vào việc giành được độc lập và thống nhất đất nước. Và chính vì những mục tiêu này mà gần ba triệu người VN đã chiến đấu và bỏ mình trong thế kỉ XX.

Mặc dù vào lúc đó các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới không nhìn thấy rằng VN khác với các nước châu Á khác theo nhiều cách. Đó là nơi duy nhất mà chủ nghĩa cộng sản đã trở thành phương tiện chi phối chủ nghĩa dân tộc (yêu nước) gần như ngay từ đầu. Ngay cả ở những nước mà phong trào cộng sản đã phát triển rất lớn, chẳng hạn như  Trung Quốc, Triều Tiên, hay Indonesia, điều đó là một hiện tượng tiệm tiến nhiều hơn và các đối thủ tranh quyền mạnh hơn. Nhưng ở VN, đối thủ của CS đã bị tì vết do việc cộng tác với người Pháp, và Hồ Chí Minh (HCM) có thể thể hiện phong trào Việt Minh của ông như là dân tộc đích thực cả về mặt văn hóa lẫn chính trị. Bất chấp việc ông từng là một nhân viên lâu năm của Quốc tế cộng sản, sau năm 1945 HCM đã tô vẽ lại chính mình như là biểu tượng của độc lập dân tộc và là một bậc cao tuổi đáng được sự kính trọng, gần như sùng kính, của tất cả người Việt Nam.

Cuộc chiến tranh của Mĩ ở VN do đó là rồ dại ngay từ đầu. Không phải vì không có người Việt chống cộng vốn sẵn sàng chiến đấu vì mục đích của họ, nhưng vì họ là thiểu số và chắc chắn sẽ thua sút khi so sánh về tính chính thống dân tộc (naionalist authenticity). Cộng sản VN cũng có thể dựa vào sự trợ giúp của Trung Hoa cộng sản liền kề và sự giúp đỡ của Liên Xô. Nhưng nhiều chính phủ Hoa Kì liên tiếp nhau tin rằng Hoa Kì phải hành động để tránh việc cộng sản chiến thắng ở Đông Dương. Thuyết domino, đầu tiên đề ra cho Trung Quốc, đã được chuyển qua VN. Đối với họ, Chiến tranh Lạnh là một trò chơi có tổng zero, trong đó cái mất của một bên là cái được cho bên kia. Và Liên Xô, hoặc, thậm chí tệ hơn, Trung Quốc, được xem là kiểm soát cộng sản VN, đứng ngoài thủ lợi thông qua sự thành công của họ.

BÊN TRONG VN mọi việc trông khá khác biệt. Đối với HCM và những người đã từng làm việc với ông trong phong trào cộng sản VN từ những năm 1920, Hội nghị Geneva năm 1954 là một thảm hoạ. Thay vì giành được một Việt Nam thống nhất, XHCM như mục tiêu chiến đấu của họ (và sự tin tưởng rằng họ đã đạt được nó thông qua sức mạnh trên chiến trường), họ chỉ nhận được một nửa đất nước, và triển vọng không chắc chắn về việc đất nước sẽ thống nhất sớm. Và thậm chí tệ hơn: Moscow và Bắc Kinh, hai kẻ bảo trợ chính, đã bắt tay nhau buộc họ phải chấp nhận sự chia cắt này. Mặc dù Hà Nội được bảo rằng đây là việc ‘củng cố’ thành quả cách mạng tạm thời, không người cộng sản VN nào có chút nghi ngờ về sự thống nhất đất nước của họ là vật tế trên bàn thờ chính trị của các cường quốc lớn. Nhưng các lãnh đạo  CSVN cũng biết rằng họ không đủ khả năng tự mình chiến đấu chống lại chế độ mới ở miền Nam và kẻ ủng hộ Mĩ. HCM tin rằng thống nhất cần có thời gian. Trước hết, cộng sản Bắc VN phải xây dựng nhà nước, tinh chỉnh quân đội, và xây dựng các liên kết chặt chẽ với các đồng minh cộng sản. HCM đã chịu áp lực mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo trẻ, và đặc biệt là những người từ phía nam, đòi một chính sách hoạt động hơn. Ông là một biểu tượng hơn là một nhà lập quốc; quyền lực của ông bị thu lại, và sự thiếu kiên nhẫn tăng lên, khi Bắc VN phát triển vào cuối những năm 1950.

Nhà nước Bắc VN, có tên là VNDCCH, ngay từ đầu đã là cộng sản. Năm 1951 HCM đã lập ra Đảng Lao Động VN (ĐLĐ) làm nòng cốt hoạt động trong mặt trận Việt Minh.Từ Hiệp định Geneva năm 1954 trở đi, ĐLĐ phụ trách việc xây dựng nhà nước, và nhà nước mà nó xây dựng ở phía bắc vĩ tuyến 17 là một bản sao của mô hình Liên Xô như được thực hiện ở Trung Quốc sau năm 1949. ĐLĐ kiểm soát quân đội, công an, và có một mạng lưới lớn người chỉ điểm và các nhân viên thực thi chính trị trên khắp đất nước (kể cả nhiều phần ở phía nam). Nó bắt giam các đối thủ trong các trại lao động kiểu Stalin. Khoảng 15 000 người đã bị hành quyết, hầu hết trong chiến dịch cải cách ruộng đất thực hiện vội vã theo mô hình Trung Quốc. Ít nhất một triệu người trốn chạy về phía nam. Ngay cả Liên Xô và Trung Quốc cũng đã chỉ trích Bắc Việt vì đã đi quá xa quá nhanh.

Nhưng những rắc rối mà những người cộng sản VN tự đặt mình vào đã được khắc phục với việc che giấu nó trong vỏ bọc chủ nghĩa dân tộc. HCM tuyên bố, tất cả những gì đã làm là làm vì điều tốt đẹp nhất cho đất nước, làm cho nó giàu mạnh và thống nhất. Tuyên truyền cộng sản, cả ở phía bắc lẫn phía nam, xác lập sự tín nhiệm về dân tộc của chính quyền Hà Nội và quan trọng không kém, chính phủ miền nam lại thiếu chúng. Các nhà lãnh đạo tại Hà Nội vẫn tin rằng, có lẽ đúng, họ sẽ “thắng” trong một cuộc tổng tuyển cử trên cả nước nếu được tổ chức, đó là lí do tại sao chính quyền Eisenhower không chấp nhận một cuộc bầu cử như vậy, dù có trong Hiệp định Geneva. Đến năm 1957 rõ ràng rằng cuộc tổng tuyển cử toàn quốc không còn khả năng xảy ra, và cả Liên Xô lẫn Mĩ đều dễ dàng chấp nhận hiện trạng đối với VN và phần còn lại của Đông Dương. Với cuộc tấn công hòa bình của mình đang diễn ra, điều cuối cùng mà Khrushchev muốn là một cuộc chiến tranh khác ở châu Á.

Tuy nhiên, người Mĩ lại có vấn đề về những gì phải làm với nam VN. Người Pháp đã ra đi, nhẹ nhõm rời đi sau khi quân đội họ bị sỉ nhục. Cựu hoàng Bảo Đại, đã bị tì vết vì hợp tác với cả Pháp lẫn Nhật. Vị hoàng đế này cùng các cố vấn Mĩ của ông đã sắp xếp đưa Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Diệm là một nhà yêu nước phản kháng Việt Minh và đã lưu vong, chủ yếu ở Mĩ từ năm 1950. Chủ trương của ông mang tính bản địa (nativist), công giáo, và bảo thủ: Diệm tin rằng để làm cho VN trở thành cường quốc mà nó xứng đáng để trở thành thì phải quay trở lại gốc rể truyền thống của mình dưới một hình thức mới công giáo và đầy sức sống. VN mới của ông phải là hiện đại, theo khuôn mẫu mà phương Tây đề ra, nhưng cũng sẽ tận dụng các khả năng độc đáo của VN phải tạo ra một xã hội công chính và ổn định. Chẳng bao lâu Diệm đã truất phế Bảo Đại và lập ra nước Việt Nam Cộng hòa ở phía nam với chính ông là tổng thống. Hoa Kì bắt đầu đổ viện trợ đáng kể vào nhà nước Nam VN mới, nhưng những cải cách Diệm đã hứa chậm đến. Mục đích chính của ông là củng cố chế độ của mình chống lại tất cả mọi phía, gồm cả những người cộng sản vẫn còn ở lại miền Nam.

Bất chấp những lời khuyên của các đối tác quốc tế , những người cộng sản VN dần dần mở rộng chiến dịch chống chế độ của Diệm ở miền Nam. Năm 1956, được khuyến khích bởi việc Khrushchev xoá bỏ Stalin hoá và khẳng định rằng mỗi đảng phải tìm ra đường lối riêng của mình đi tới chủ nghĩa xã hội, Lê Duẩn, tay cộng sản miền Nam viết ra một tuyên ngôn bậc thầy về ngôn ngữ hai mặt. Trong đó, ông nhấn mạnh vào tính đúng đắn trong quan điểm của Liên Xô rằng “tất cả các cuộc xung đột trên thế giới hiện nay có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.” Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, ở miền nam, “phong trào cách mạng của nhân dân chắc chắn sẽ nổi lên.” Nói cách khác, đảng cộng sản phải ủng hộ phong trào quần chúng tự phát ở miền nam, định hình nó, và lãnh đạo nó. Đến năm 1957, để đáp trả những nỗ lực của Diệm trong việc loại bỏ cộng sản ở miền nam, đảng bắt đầu một chiến dịch ám sát và đánh bom. Lê Duẩn được cử làm người đứng đầu của đảng, dần dần thay thế HCM thành trung tâm quyền lực thực sự. Tháng 1 năm 1959, ĐLĐ chấp thuận của một “chiến tranh nhân dân” ở miền Nam và bắt đầu đưa cán bộ xâm nhập vào miền Nam qua Lào, dọc theo 'đường mòn HCM.' Tháng 7 năm 1959 cộng sản miền Nam giết chết hai cố vấn quân sự Mĩ ngay bên ngoài thủ đô Sài Gòn. Họ là những người Mĩ đầu tiên chết trong cuộc chiến tranh mới ở VN.

Lí do Hà Nội có thể tổ chức một cuộc tổng nổi dậy chống lại chính phủ Diệm vào năm 1960 là vì sự chia rẽ Trung-Xô. VN bắt đầu khôn khéo chơi trò 'khích tướng' hai nhà bảo trợ tranh nhau để có được sự ủng hộ mà họ cần. Gần như chắc chắn rằng Lê Duẩn và nhóm lãnh đạo của ông thân cận với Trung Quốc hơn Liên Xô rất nhiều về mặt ý thức hệ, và tính triệt để cao độ của Mao đã khích lệ họ hành động mạnh mẽ. Nhưng Khrushchev không chỉ bị cạnh tranh và hoàn cảnh lôi kéo. Vì các sự kiện ở Cuba, Algeria, và Congo, vào năm 1960 Liên Xô đã phải cảnh giác nhiều hơn cho tiềm năng thắng lợi thông qua 'cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc' so với những gì họ được cảnh báo chỉ một vài năm trước đó. Do đó, việc định thời gian nổ ra cuộc nổi dậy ở phía nam của Hà Nội gần như hoàn hảo, mặc dù Lê Duẩn hay các nhà bảo trợ nước ngoài của ông vào lúc đó không mong đợi bất cứ điều gì ngoài một cuộc đấu tranh lâu dài với một kết quả không chắc chắn.

John Kennedy thừa kế tình huống khó xử về VN từ tổng thống Eisenhower, và ông không bao giờ có thời gian hoặc dịp để tập trung vào nó tới mức tìm ra một chiến lược vững chắc. Thay vào đó, chính sách VN của Kennedy trở nên trượt dần về phía can dự ngày càng lớn hơn của Mĩ, mặc dù JFK chống lại việc đưa quân chính quy của Mĩ tới Đông Dương. Ông đã tham gia vào cuộc đàm phán trung lập hoá cho Lào, đã cho một sự có vẻ nào đó về sự ổn định cho khu vực. Nhưng sự vướng víu lớn nhất của Kennedy, ăn khớp với cách tiếp cận tổng thể của ông đối với Thế giới thứ ba, là thông qua các nỗ lực cải cách nhà nước Nam VN và nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội và không quân nước này. Tới năm 1963 Hoa Kì có 16 000 cố vấn ở miền Nam VN, tăng lên so với con số 600 khi Kennedy lên nắm quyền. Tất cả các đơn vị quân đội VN chính có sĩ quan Mĩ gắn vào, và mặc dù các cố vấn Mĩ không bị buộc phải trực tiếp tham gia chiến đấu chống Hà Nội hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miển Nam (MTGP) do cộng sản điều khiển, họ ngày càng trở nên không thể thiếu trong nỗ lực chiến tranh của Nam VN. Máy bay và trực thăng Hoa Kì vận chuyển quân đội VN, kể cả các cuộc đột kích ra miền Bắc VN. Người Mĩ cũng bắt đầu sử dụng thuốc khai quang huỷ diệt cây trồng để phiến quân miền Nam VN và những người ủng hộ họ bị đói, và bắt đầu lập ra 'ấp chiến lược' mà các nông dân được 'cứu' khỏi sự kiểm soát của MTGP có thể được di dời tới đó.

Mặc dù sự trợ giúp của Mĩ tăng lên, rõ ràng là chế độ Diệm đã gặp rắc rối nghiêm trọng vào năm 1963. Không những MTGP mở rộng hoạt động, đặc biệt là ở các khu vực xung quanh thủ đô Sài Gòn của miền Nam. Nhưng tổng thống miền Nam VN cũng đụng độ với phe đối lập chính trị phi cộng sản, các nhóm Phật giáo, và các tổ chức sinh viên, học sinh. Quan hệ của ông với các nhà bảo trợ Mĩ cũng xấu đi; Diệm nhấn mạnh rằng Nam VN là một đất nước có chủ quyền và rằng ông là tối hậu trong kiểm soát việc đề ra kế hoạch dân sự và quân sự. Một số nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn để phản đối chế độ, và hình ảnh thân thể họ đang cháy được chiếu trên tin tức truyền hình Mĩ, làm cho nhiều người Mĩ tự hỏi về sự thành công của việc Mĩ can dự vào VN. Trong tuyệt vọng, chính phủ Kennedy lặng lẽ khuyến khích các tướng lĩnh Nam VN thực hiện một cuộc đảo chính chống Diệm. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tổng thống Nam VN đã bị các sĩ quan của chính ông bắt cóc và giết chết. Ba tuần sau, Kennedy bị bắn chết  tại Dallas.

Lỗi lầm lớn nhất của Kennedy về VN là luôn xem miền nam và miền bắc là hai quốc gia khác nhau. Từ điều này dẫn tới việc quân đội miền Bắc can dự ở miền Nam là xâm lược, và rằng các cường qưốc cộng sản lớnđặc biệt là Trung Quốc đứng đằng sau cuộc xâm lược này. Lối suy nghĩ này, mà tổng thống mới, Lyndon B. Johnson, đã tiếp nhận từ Kennedy, liên kết chiến tranh VN trực tiếp với Chiến tranh Lạnh. Nó cũng liên kết trở ngược với chiến tranh Triều Tiên, nội chiến Trung Quốc, và cuối cùng là Thế chiến II. Bài học được giả định là nếu như Hoa Kì không đứng lên chống lại xự xâm lược của cộng sản thì sự cương quyết sẽ bị nghi ngờ và vị thế, bao gồm vị thế ý thức hệ cũng sẽ bị xói mòn. Nhưng cả Kennedy lẫn Johnson đều tin rằng chính phủ Mĩ, và đặc biệt là chính phủ dân chủ mà không tỏ cho thấy đứng lên chống xâm lược cộng sản thì sẽ bị các nhà tạo dư luận và cử tri trừng phạt. Cả Kennedy lẫn Johnson, theo nhiều cách khác nhau, đều có một nỗi sợ hãi lớn về sự nhu nhược. Dẫn lời bạn bè tại quê nhà Texas, Johnson thích nói rằng người Mĩ “sẽ tha thứ cho bạn cho bất cứ điều gì trừ sự nhu nhược.

Về mặt đối nội, Lyndon Johnson là một trong những vị tổng thống được chuẩn bị tốt nhất mà Hoa Kì từng có. Ông đã có mặt ở Quốc hội kể từ năm 1937 và được biết đến như là ông chủ của Thượng viện, nơi ông là lãnh đạo đảng đa số đã bênh vực cho những mục tiêu tiến bộ theo khuôn FDR (Franklin Delano Roosevelt). Là phó tổng thống của Kennedy, ông đã phục vụ một cách không vui vẻ bên lề quyền lực. Với vụ tổng thống bị ám sát, ông đã được ném vào ghế trên cùng của nền chính trị Mĩ, và ông đã có một loạt các cải cách mà ông muốn thực hiện gần như ngay từ đầu. Một số kế hoạch đã được phát triển trong thời chính quyền Kennedy. Nhưng hầu hết đều là mục tiêu riêng của Johnson, và ông có kinh nghiệm, sự dẻo dai, và đủ tiền bạc để đẩy chúng thông qua. Có lẽ tổng thống thành công nhất về mặt lập pháp trong lịch sử Hoa Kì, Johnson chứng kiến các sáng kiến lớn về xóa đói giảm nghèo, dân quyền, và chăm sóc sức khỏe, cũng như cải cách nhập cư và giáo dục được thông qua, xử lý nhiều vấn đề gai góc mà tiền nhiệm của ông (hoặc, đối với các vấn đề quan trọng đó, những người kế nhiệm ông) đã lảng tránh Trong năm 1964 bầu cử tổng thống, ông đè bẹp đối thủ đảng Cộng hòa và được bầu lại với tỉ lệ số phiếu phổ thông cao nhất chưa từng có.

Tuy nhiên, một giải pháp cho cuộc chiến tranh leo thang tại VN dường như cũng lẫn tránh Johnson. Mặc dù bản năng chính trị của ông đã nói với ông phải tìm ra một lối thoát nhanh nhất có thể có, ông lại sợ hậu quả. Ưu tiên của ông là cải cách trong nước, nhưng ông cảm thấy ông sẽ không thể thực hiện chúng đầy đủ nếu ông không có cơ hội mới cho chính sách đối ngoại. Bàn luận về cách trình bày chiến tranh với người dân Mĩ, Johnson đã tâm sự với một người bạn cũ ở Thượng viện:"Tôi nghĩ tôi phải nói rằng tôi không đưa bạn tới đây, nhưng chúng ta đang ở đây do hiệp ước [với miền Nam VN] và danh dự quốc gia của chúng ta bị đe dọa. Và nếu hiệp ước này là không tốt thì không có hiệp ước nào là tốt. Vì vậy, chúng ta ở đó. Và khi ở đó, chúng ta phải tự hành xử như những người chân chính. Đó là số một. Thứ hai, trong cuộc cách mạng của chúng ta, chúng ta muốn tự do và tất nhiên chúng ta nhìn với sự cảm thông với những ai mong muốn tự do và nếu bạn để họ một mình và cho họ tự do, chúng ta sẽ ra đi ngày mai."

Trong năm 1964, chính quyền Johnson ngày càng thấy chắn chắn rằng Hoa Kì phải đối mặt với một thách thức toàn diện từ phe cộng sản tại VN. Cuộc đảo chánh Diệm không dẫn đến gì nhiều ngoài sự bất ổn gia tăng. Phiến loạn ở VNCH tiếp tục lan rộng. Bằng chứng miền Bắc cung cấp và chỉ đạo cuộc nổi dậy tiếp tục tăng thêm. Và đứng phía đàng sau Hà Nội là Bắc Kinh và Moscow, ít nhiều theo thứ tự đó. Đối lại với những bằng chứng dồi dào về sự chia rẽ Trung-Xô ngày càng gia tăng, Johnson vẫn tập trung vào VN như là một vấn đề của khối cộng sản. Sự khác biệt giữa các cường quốc cộng sản, theo chính quyền Johnson, là Liên Xô thì thực tế và hợp lí, trong khi Trung Quốc là không chừng mực và ngày càng không hợp lí. Không khó khăn để thấy định kiến chủng tộc đằng sau kiểu suy nghĩ này: Liên Xô, xét cho cùng, ít nhất do là người châu Âu lãnh đạo, trong khi Trung Quốc là người phương Đông không hiểu (hoặc không muốn tham gia vào) việc cho nhận bình thường giữa các cường quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara của Johnson tin rằng chính sự vô lí này hơn bất cứ điều gì đã làm cuộc chiến tranh tiếp diễn.

Cho đến giữa năm 1964, tổng thống đã tin chắc rằng cách duy nhất để chiến thắng trong chiến tranh ở VN là việc cho thấy sự sẵn sàng của quân đội trên trận địa. Nếu Hoa Kì chứng tỏ cho Hà Nội và Moscow thấy rằng họ không đạt được gì qua việc xâm lấn thêm thì họ sẽ quay lại bàn đàm phán, bất chấp tiếng tru tréo phản đối từ Trung Quốc. McNamara và cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống McGeorge Bundy, cả hai đều đã thúc giục việc đánh bom Bắc VN, triển khai các lực lượng Mĩ trên bộ, và mở rộng sự tham gia của Mĩ trong cuộc chiến cùng với quân đội miền Nam VN. Trong dự thảo bài phát biểu của tổng thống, Bundy lập luận rằng Hoa Kì không “bị ràng buộc phải đưa ra cho những kẻ xâm lược bất kì sự bảo đảm nào về việc trả đũa chung và cần thiết cho các hành động chiến tranh chống lại những người tự do ở Nam VN. Những gì đã được ra lệnh từ bên ngoài Nam VN có thể bị trừng phạt bên ngoài Nam VN, bởi toàn bộ luật pháp của các quốc gia, và bởi nguyên tắc cơ bản rằng người ta phải chịu trách nhiệm về những gì được thực hiện theo lệnh của mình. Kẻ xâm lược tại Hà Nội biết tội lỗi của mình, và thế giới cũng biết điều đó.” Ngay cả Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, là người tương đối bồ câu về các vấn đề ngoại giao, cũng thúc giục tổng thống. Ông nói với Johnson “Vấn đề chiến tranh và hoà bình nằm ở Thái Bình Dương. Nếu chúng ta có vẻ ngập ngừng trước Liên Xô và Trung Hoa cộng sản thì điều này sẽ được hiểu là một phần thưởng cho hướng đi mà họ đang theo, và điều này sẽ làm tăng nguy cơ chiến tranh. Nếu chúng ta thực hiện một động thái báo hiệu cho Bắc Kinh rằng chúng ta đang suy yếu, thì điều đó sẽ làm tăng nguy cơ cho chúng ta.”

Tháng 8 năm 1964, Johnson đã sử dụng các báo cáo không chính xác về việc các tàu Bắc Việt bắn vào tàu hải quân Hoa Kì trong vùng biển quốc tế như là một cái cớ để được Quốc hội trao quyển mở rộng chiến tranh. Cái gọi là nghị quyết Vịnh Bắc Bộ ủy quyền cho tổng thống “dùng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi bất kì cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng của Hoa Kì và ngăn chặn sự xâm lăng thêm nữa.” Năm 1965, Không quân Mĩ bắt đầu ném bom công kích Bắc VN, và số lượng lính Mĩ tăng lên gần 200 000. Tính đến cuối năm đó có gần 2 000 người Mĩ đã thiệt mạng trong giao tranh, và đối với hầu hết mọi người ở Mĩ đã trở nên rõ ràng rằng đây là một cuộc chiến tranh thực sự và không phải là loại xung đột uỷ nhiệm mà Hoa Kì đã can dự trên toàn cầu trong thập kỉ qua.

Hiện nay chúng ta biết rằng nhiều giả định của Hoa Kì về tính toán chính trị và quân sự đối với các bên Bắc Việt, Liên Xô và Trung Quốc trong Chiến tranh VN là nhầm lẫn. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt xem cuộc chiến tranh này như cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Họ đang nhắm tới một chiến thắng quân sự mà họ hiểu rằng chỉ có thể xảy ra sau khi Mĩ buông ra. Liên Xô nhận ra rằng cuộc chiến tranh ở VN đã gây thiệt hại cho Mĩ trong việc chống Chiến tranh Lạnh toàn cầu, vì nó làm các nước và các phong trào của Thế giới thứ ba xa lánh, và làm cho Liên Xô có vẻ như là một nước vì hòa bình và giúp đỡ cho nước VN nhỏ bé đánh chàng khổng lồ Goliath Mĩ. Theo hầu hết các cách đánh giá, tầm quan trọng ở VN rất thấp đối với Liên Xô và ngày càng cao đối với Hoa Kì. Tuy nhiên, Moscow luôn cảnh giác với việc chiến tranh lan rộng ra những nơi khác ở Đông Nam Á, do đó Liên Xô buộc phải có một vai trò tích cực và rõ ràng hơn trong bảo vệ các cuộc cách mạng địa phương. Như sự việc diễn ra, những người kế nhiệm của Khrushchev hài lòng với việc lên án sự xâm lược của Mĩ và cung cấp viện trợ hạn chế cho Bắc VN (một phần là để tách họ ra khỏi liên minh với Trung Quốc), trong khi nói riêng với Johnson rằng Moscow đã cố gắng làm dịu hành vi của Hà Nội. Thông điệp không quá mềm dịu của Liên Xô cho Mĩ là VN chỉ có thể giải quyết nếu Washington sẵn sàng làm việc với Moscow về các vấn đề Chiến tranh Lạnh khác.

Chính vai trò Trung Quốc ở VN thay đổi nhiều nhất, đúng theo đường hướng các chính sách đảo điên của Bắc Kinh trong những năm 1960. Trong phần đầu của thập kỉ đó, và đặc biệt là sau năm 1962, Mao Trạch Đông ngày càng sử dụng chiến tranh ở VN như một vũ khí chống lại Liên Xô. Mao tuyên bố, những người cộng sản Trung Quốc dành cho Hà Nội sự ủng hộ hoàn toàn cho những nỗ lực tiến nhanh trên con đường dẫn tới chủ nghĩa cộng sản và giải phóng miền Nam. Thông điệp của Mao là chỗ nào Moscow chỉ nói quanh co thì Bắc Kinh sẽ có hành động. Viện trợ của Trung Quốc cho Bắc VN tăng đáng kể hàng năm, khi Hà Nội đứng về phía Trung Quốc trong các cuộc tranh cãi với Liên Xô về ý thức hệ. Nhưng khi sự can dự của Hoa Kì mở rộng vào năm 1964, Mao lại tìm cách tránh xung đột trực tiếp với Mĩ, như đã xảy ra ở Triều Tiên. Bắc Kinh tỏ tín hiệu cho Washington biết rằng quân đội của chính họ sẽ không dây dưa vào trừ khi Mĩ xâm lược miền Bắc. Mặc dù lập trường của Mao ngày càng cách mạng trong nước và quốc tế, ông ta đã có một sự tôn trọng lành mạnh đối với sức mạnh của Mĩ. Bên cạnh đó, với việc đối đầu với Liên Xô xấu đi (phải nói chủ yếu là do hành động của chính ông) Mao Trạch Đông đã có chút thèm muốn một cuộc chiến tranh toàn diện ở Đông Dương. Do đó, chính sách của Trung Quốc sẽ bao gồm viện trợ cho Bắc Việt và MTGP ở phía nam, trong khi thúc giục họ đánh Mĩ “không ngừng nghỉ” và tránh mọi cuộc đàm phán. Nhưng Bắc Kinh cũng đã học được từ Triều Tiên là không quá liều lĩnh. Đến năm 1967 Trung Quốc có 170 000 quân đóng ở VN để giúp miền Bắc VN phòng thủ, trong khi sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp Mĩ vượt qua ranh giới giữa Bắc và Nam VN. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nói với Bắc VN, “Ý tưởng cơ bản của tôi là chúng ta nên kiên nhẫn. Kiên nhẫn đồng nghĩa với chiến thắng. Kiên nhẫn có thể khiến các bạn khó khăn hơn, gánh chịu nhiều đau khổ hơn. Tuy nhiên trời sẽ không sập, đất sẽ không dời, và người dân không thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Vì vậy, kiên nhẫn có thể được tưởng thưởng bằng chiến thắng, do đó gây những thay đổi lịch sử, khuyến khích các nước châu Á, châu Phi, và châu Mĩ Latin, và hạ gụt đế quốc Mĩ”.

Chính quyền Johnson cũng nhìn thấy cuộc chiến ở VN theo cách nhìn quốc tế. Qua các năm 1965 và '66, tổng thống tin rằng sự yếu kém ở VN sẽ chuyển thành những thụt lùi ở đâu đó trong Thế giới thứ ba và cũng có thể là ở châu Âu. Johnson chủ yếu thấy điều này về mặt liên minh: nếu Hoa Kì không giữ lời ở Đông Nam Á thì đồng minh và kẻ thù tiềm năng ở những nơi khác sẽ nghĩ gì? Nhưng ông cũng cảm nhận (được các cố vấn khuyến khích) rằng mọi thứ có thể sắp chuyển thành lợi ích của Hoa Kì ở một số vùng quan trọng của châu Á, châu Phi và Mĩ Latin. Điều quan trọng, Johnson nghĩ, là giữ vững pháo đài tại VN trong khi các nước mới khác (được các chương trình trợ giúp giúp đỡ và khuyến khích) đã quay lưng lại với chủ nghĩa cực đoan, hướng tới tự do và tăng trưởng kinh tế. Khi nhận thấy rằng viện trợ nước ngoài không được công chúng nói chung hoặc Quốc hội ủng hộ, tổng thống đã đưa ra một thông điệp đặc biệt có dấu ấn của LBJ cả về hình thức lẫn nội dung. Johnson nói: “Đối với những quốc gia hết lòng vì tiến bộ trong tự do, sự giúp đỡ từ chúng ta và từ những nước khác có thể tạo ra sự khác biệt giữa thất bại và thành công. Đây là trung tâm của vấn đề này .... Chúng ta sẽ để lại cho chúng ta và con cháu chúng ta gặt hái tai ương nếu chúng ta thu nhỏ lại nhiệm vụ vật lộn với đói nghèo và ngu dốt trong cộng đồng thế giới. Chính những hạ sĩ quan tuyển quân vô cảm của chủ nghĩa cộng sản. Chúng nở rộ ở nơi nào chúng ta ngập ngừng. Nếu chúng ta chểnh mảng nghĩa vụ của mình, chủ nghĩa cộng sản sẽ mở rộng tham vọng của họ. Đó là phương trình nghiêm khắc chế định thời đại chúng ta, và từ đó có thể không có lối thoát trong logic hoặc trong danh dự.

Chính quyền Mĩ đã đúng khi thấy khoảng giữa thập niên 1960 là một bước ngoặt trong Thế giới thứ ba, ngay cả khi họ đã sai lầm về những ảnh hưởng lâu dài của bước ngoặt đó cho VN và phần còn lại của Đông Dương. Ở Algeria, từ lâu là diễn đàn của cách mạng lâu năm của Thế giới thứ ba, quân đội đã quay lưng với tổng thống Ben Bella và lật đổ ông ta trong một cuộc đảo chánh vào tháng 6 năm 1965. Chỉ có phản kháng nhỏ. Đa số người Algeria cảm thấy rằng Ben Bella nói rất hay nhưng thực hiện kế hoạch rất tồi. Họ muốn có một cách tiếp cận thực tế và thực dụng hơn trong phát triển kinh tế, cho ra được các kết quả thấy được cho những người đã từng đấu tranh rất lâu cho nền độc lập của nước mình. Không phải vì có quá nhiều nội dung trong chương trình của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN) bị người dân phản đối mà là vì việc thực hiện chúng tệ hại và việc tầng lớp chủ chốt mới của cách mạng tự lấy mình làm trung tâm. Lãnh đạo quân đội, tướng Houari Boumedienne mà lực lượng của ông đã ngầm chiếm lấy thủ đô Algeria hành động như đóng vai phụ trong bộ phim The Battle of Algiers của Gillo Pontecorvo, hứa hẹn nói ít làm nhiều, đó cũng là những gì mà người Algeria có được trong những năm sau đó. Trong chính sách đối ngoại và trong nhiều kế hoạch kinh tế của họ, Algérie đã đi gần Liên Xô và rời xa lí tưởng của Thế giới thứ ba.

Tại Ghana, các sự kiện tương tự cũng đã diễn ra. Kwame Nkrumah, trong gần một thập kỉ là nhà lãnh đạo không bị thách thức của nước này và người phát ngôn chính của Thế giới thứ ba, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1966. Nkrumah đã mất phần lớn sự ủng hộ của công chúng vì chính sách kinh tế của ông chậm mang lại kết quả và ông ngày càng trở nên độc tài. Năm 1962, ông cách chức Chánh án tối cao. Hai năm sau, ông cấm tất cả các đảng đối lập, biến Ghana thành một nhà nước độc đảng và tự cho mình làm tổng thống trọn đời. Cuộc đảo chính xảy ra khi Nkrumah đang trên đường sang Trung Quốc và Bắc VN, và các sĩ quan quân đội nắm quyền tuyên bố rằng một trong những mục đích của họ là để cứu Ghana khỏi sự kiểm soát của cộng sản sắp xảy ra. Trong cuốn sách Chủ nghĩa thực dân mới, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa đế quốc, xuất bản 6 tháng trước khi bị lật đổ, Nkrumah cáo buộc các đối thủ của mình bị chìm ngập trong “cơn lũ tuyên truyền chống tự do [vốn] bắt nguồn từ các thủ đô phương Tây, nhằm chống lại Trung Quốc, VN, Indonesia, Algeria, Ghana và tất cả các nước đang khai phá con đường độc lập đi tới tự do của riêng mình.... Bất cứ nơi nào có cuộc đấu tranh vũ trang chống lại các thế lực phản động thì những nhà yêu nước bị gọi là bọn phiến loạn, kẻ khủng bố, hoặc thường là 'những tên khủng bố cộng sản'!

Các cuộc đảo chính ở Algeria và Ghana là của trời cho đối với chính quyền Johnson. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy CIA đã can dự trực tiếp trong các biến cố này, chính phủ Hoa Kì đã khuyến khích và tỏ rõ sự ủng hộ đối với những hành động đó của quân đội. Trong khi kết quả ở Ghana là một chế độ độc tài quân sự có quan hệ chặt chẽ với Hoa Kì, kết quả ở Algeria lại u ám hơn theo góc nhìn của Mĩ. Boumedienne không là đòn bẩy trong các vấn đề quốc tế, và việc lập kế hoạch của ông tương tự theo kiểu Liên Xô đã được người Mĩ biết rõ. Dù vậy, Washington vẫn thích ông nhiều hơn là nhà theo Thế giới thứ ba Ben Bella. Khi điểm lại cuộc đảo chính, CIA nhận xét rằng “trong nhiều khu vực của Algeria quân đội đã có thể đã cho ra sự lãnh đạo và điều hành vững vàng hơn chính phủ Ben Bella hay đảng FLN.” Cách suy nghĩ như Liên Xô đã trở nên ít thách thức đối với chính quyền Johnson bên ngoài châu Âu bằng các nhà cách mạng chống đế quốc và bạn bè các loại của Trung Quốc hoặc Cuba. Mặc dù chiến tranh lạnh đang tiếp diễn, Moscow đã trở thành một loại kẻ thù 'bình thường' (người châu Âu, nghiêm túc, và khá dễ dự đoán) trong khi Thế giới thứ ba là hỗn loạn và quá mức. Nằm tại cốt lõi của những nỗi sợ hãi của Hoa Kì là nỗi nghi ngờ rằng bên đối kháng tương lai đối với sự vượt trội toàn cầu của Hoa Kì có thể có vẻ là Trung Quốc hay Cuba hơn là Liên Xô.

Nếu như có nhóm sự kiện nào làm cho Washington dừng kiểu cách suy nghĩ này thì đó chính là sự thất bại của phe tả ở Indonesia và Congo vào năm 1965. Cả hai thất bại này vẫn còn đưa ra tín hiệu rằng tương lai, ít nhất là về mặt thách thức của cộng sản, có thể không nằm ở Bắc Kinh và Havana. Theo những cách khác nhau, hai thất bại này cũng có thể cho thấy Thế giới thứ ba như một lực lượng đối lập chính trị toàn cầu bắt đầu đến chỗ kết thúc. Đối với Washington, hai cuộc phản cách mạng ở Indonesia và Congo (và sau đó ở Bolivia) khẳng định rằng chiến dịch của Mĩ chống các toan tính của Thế giới thứ ba có thể có hiệu quả, nếu có đồng minh mạnh tại chỗ là những người đã chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan vì những lý lẽ riêng của họ. Đó là loại bài học mà về mặt khái niệm không thể áp dụng cho VN vì những đồng minh như thế không tồn tại ở đây và vì có Trung Quốc hung hăng nằm ngay bên cạnh. Tuy nhiên, kết luận hợp lí từ sự không thống nhất về việc Hoa Kì nên rút quân khỏi VN, là cũng không thể thực hiện được vì sợ bị coi là yếu đuối, thiếu kiên quyết, và chủ bại trong Chiến tranh Lạnh.

Kể từ khi Lumumba bị giết năm 1960, Congo đã chứng kiến sự đấu tranh lẻ tẻ của cánh tả hay các nhóm ly khai chống lại một chính quyền trung ương yếu được hậu thuẫn của Mĩ, Bỉ, và các công ty châu Âu quan tâm đến việc khai thác tài nguyên khoáng sản khổng lồ của nước này. Cho đến năm 1964 một cuộc nổi loạn quy mô lớn đã nổ ra ở miền đông Congo do những kẻ cực đoan cầm đầu đã chiếm lấy Kisangani (lúc đó được gọi Leopoldville) và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân. Khi quân đội Congo, được lính đánh thuê châu Âu, Nam Phi và các cố vấn Mĩ trợ giúp, tiến gần tới Kisangani, phiến quân bắt nguười châu Âu làm con tin và đe dọa sẽ giết họ nếu tiếp tục tấn công. Thủ tướng Moïse Tshombe, người chịu trách nhiệm về việc giết chết Lumumba, kêu gọi phương Tây can thiệp. Tháng 11 năm 1964 Tổng thống Johnson quyết định đưa máy bay Mĩ chuyển quân Bỉ tới miền đông Congo để di tản các con tin. “Chúng ta không thể chỉ việc đứng nhìn bọn ăn thịt người giết chết hàng loạt người”, tổng thống nhận xét từ trang trại của ông ở Texas. Dù có hơn 1 000 con tin được giải thoát, vẫn còn 200 người khác đã bị giết, cùng với hàng ngàn người Congo. Nhờ hoạt động nước ngoài rộng lớn do CIA điều khiển, chính phủ Congo dần dần nắm quyền kiểm soát lãnh thổ nổi loạn và sự trả thù tàn khốc của họ.

Sự can dự của Mĩ ở Congo dẫn đến những phản ứng giận dữ từ các nước châu Phi khác, không nhiều mấy vì lòng yêu mến dành cho các phiến quân Congo vốn thường được coi là vô tổ chức và không có đầu óc, mà vì nó liên quan đến các chủ thuộc địa cũ Bỉ. Các Simbas (sư tử) còn lại, như những người còn sống sót của nước Cộng hòa Nhân dân tự gọi mình, nhận được sự giúp đỡ từ Ai Cập và Algeria, mà còn từ những Cuba, nước này cử Che Guevara với một lực lượng đặc nhiệm hơn một trăm người để chiến đấu với họ vào tháng 4 năm 1965. Che đã trãi qua bảy tháng không kết quả trong những khu rừng đông Congo, ngày càng thất vọng vì phiến quân không có sự phối hợp và lãnh đạo của họ có xu hướng thích cuộc sống cao sang ở Cairo hơn là viếc chiến đấu gian khổ ở Congo. Vào cuối năm 1965 quân nổi dậy đã bị đánh bại. Hoa Kì đã "dẹp tan cuộc nổi loạn ở Congo", cố vấn an ninh quốc gia Johnson, Robert Komer, nói với các ông chủ của ông. “Chúng ta và người Bỉ trên thực tế đã đưa tín hiệu cho Tshombe và cung cấp cho ông ta mọi thứ ông nghĩ ông cần - tiền bạc, vũ khí, cố vấn.”

Một thế giới cách xa Congo, Indonesia thậm chí còn nằm ở vị trí cao hơn trong danh sách những điểm rắc rối quốc tế của Mĩ. Những người yêu nước Indonesia, do Sukarno đứng đầu, đã giành được độc lập từ Hà Lan vào năm 1949 với Hoa Kì như một trợ thủ cho việc giải phóng. Một phần lí do của việc Washington quyết định thúc đẩy Hà Lan đến việc trao trả độc lập hoàn toàn cho thuộc địa cũ của họ là vì Sukarno có vẻ là một người chống cộng cứng rắn. Năm 1948, quân đội của ông ta đã tiến hành một cuộc nội chiến ngắn với Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) hùng mạnh và giành chiến thắng quyết định. Nhưng khi Sukarno bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các cuộc đấu tranh chống thực dân trên toàn cầu và làm cho các chính sách kinh tế của mình trở nên cấp tiến hơn, thì Indonesia mất đi sự ưu ái của Mĩ. Tại Washington, hội nghị Bandung, nơi Sukarno là nước chủ nhà giữ vai trò lãnh đạo, được coi là một thách thức đối với chính sách đối ngoại của Mĩ, và Sukarno đã trở thành một tên đáng ghét (bête noire) khác của chính quyền Eisenhower. Khi Tổng thống Indonesia quay trở lại tập trung quyền hành cao độ và hợp tác với Đảng cộng sản hồi sinh vào năm 1957, sự kiên nhẫn của Mĩ đã xuống thấp. Với sự trợ giúp của Anh và Hà Lan, chính quyền Eisenhower đã thực hiện một chương trình bí mật giúp phe nổi loạn Hồi giáo chống Sukarno ở Sumatra. Dulles nói với đối tác Anh rằng: “Chúng ta phải ngăn chặn Indonesia tiến về phía cộng sản. Nếu cộng sản trở nên ưu thế ở Java thì điều tốt nhất nên làm là làm suy yếu hệ thống của họ bằng cách tạo nên sự độc lập cho các hòn đảo bên ngoài, bắt đầu với Sumatra.

Chiến dịch của CIA chống Sukarno đã thất bại, nhưng dễ hiểu là đã làm cho nhà lãnh đạo Indonesia ý thức rằng người Mĩ đã tìm cách để tóm ông. Trong những năm 1960, các chính sách của ông đã trở nên có chủ ý hơn trong việc xây dựng một nhà nước trung tâm mạnh mẽ cho tất cả người dân Indonesia mà theo quan điểm của ông nên bao gồm toàn bộ Borneo, New Guinea, và kể cả bán đảo Malaysia. Ông đã tìm cách chính thức hóa liên minh giữ ông nắm quyền, qua việc tuyên bố rằng chính phủ của ông dựa trên Nasakom: dân tộc, tôn giáo, và cộng sản. Khi Malaysia trở thành độc lập vào năm 1963, có thể đoán được là Sukarno đã tố cáo quốc gia mới này là một nhà nước bù nhìn của thực dân mới Anh và bắt đầu một cuộc chiến tranh tầm thấp kéo dài ba năm chống nước này, mà những người Mã Lai gọi là konfrontasi, sự đối đầu. Với việc lực lượng Indonesia đối đầu với lực lượng Anh và Austrlia ở Borneo, và Đảng Cộng sản đạt được chỗ đứng về chính trị ở Indonesia, Hoa Kì tuyệt vọng trong tìm kiếm một chính sách. Chính quyền Johnson đã lúng túng. Tổng thống muốn rút lại tất cả viện trợ cho nước này, nhưng Lầu năm góc và CIA khuyến nghị tiếp tục tiếp xúc với quân đội, hi vọng rằng các sĩ quan của họ sẽ hành động chống lại Sukarno.

Nhưng Washington không phải là cường quốc duy nhất rào dậu trong quan hệ của mình với kẻ gây rối thuộc Thế giới thứ ba. Liên Xô đã bị Sukarno chỉ trích là già cỗi, trắng bệch, và chậm chạp, và bị PKI chỉ trích là xét lại, giống như cách Trung Quốc chỉ trích. Tuy nhiên, Liên Xô hiển nhiên là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất. Giống như Mĩ, Moscow vẫn giữ liên lạc với các sĩ quan trong quân đội Indonesia nhưng ít có ảnh hưởng chính trị trực tiếp. Trái lại, Trung Quốc dường như gần gủi với cả Sukarno lẫn cộng sản Indonesia. Vào đầu những năm 1960, với sự chia rẻ Trung-Xô là rõ ràng, tổng thống Indonesia nghĩ rằng ông có thể kéo Bắc Kinh đứng nào sân chung với Thế giới thứ ba chống đế quốc và chống Chiến tranh lạnh. Trong những bài diễn văn và bài viết, ông ca ngợi tầm quan trọng của Trung Quốc. Nhưng Mao Trạch Đông cũng không được thuyết phục về mối quan hệ này. Khi vị thế của Mao chuyển xa về phía tả vào giữa thập niên 1960, Sukarno và chế độ của ông dường như ít được tin cậy hơn, đơn giản vì đó là một chính phủ “tư sản” và không phải là một chính phủ xã hội chủ nghĩa đích thực.

Khi căng thẳng diễn ra ở Indonesia, Sukarno dường như quá phóng to về tình hình chính trị xáo trộn. Ông gọi năm 1965 là “năm sống nguy hiểm” và đã tăng cường quyết tâm thay đổi chính trị và kinh tế. Sự thiếu thận trọng của ông đã cho thấy trong việc tự huỷ công việc đã làm quay về tình trang cũ. Mùa hè năm 1965, các sĩ quan cao cấp không hài lòng với đề xuất của tổng thống lập ra một lực lượng dân quân vũ trang song song với quân đội chính quy. Trong khi đó, Cộng sản lo sợ về sức khoẻ của Sukarno, dựa trên thông tin từ các bác sĩ Trung Quốc của ông. Họ cho rằng với việc ông ta ra đi, các viên tướng sẽ quay lại chống họ lần nữa. PKI ra tay trước, với việc quyết định cho các sĩ quan cấp thấp cộng sản tiến hành một cuộc đảo chánh ngày 30 tháng 9 năm 1965, trong đó 6 tướng bị giết. Nhưng các tướng còn lại, do Suharto lãnh đạo, đã phản công nắm quyền kiểm soát Jakarta, 'bảo vệ' Sukarno và đưa đảng cộng sản Indonesia ra ngoài vòng pháp luật.

Cuộc đảo chính ở Jakarta đã được nối tiếp bằng một số vụ giết người tồi tệ nhất trong suốt thời kì Chiến tranh Lạnh. Những người theo chủ nghĩa quốc gia cánh hữu trong quân đội và một số nhà lãnh đạo Hồi giáo đã phát động và tổ chức các cuộc thảm sát những người cộng sản vốn có vẻ hầu như không chuẩn bị cho sự tàn bạo của các vụ tấn công. Những người thiểu số bị nghi ngờ, thường không có lí do, là đã hợp tác với cộng sản cũng bị tấn công hung bạo. Đặc biệt là cộng đồng người Hoa bị đánh nặng nề nhất. Cộng chung, có ít nhất nửa triệu người đã thiệt mạng, chủ yếu là bị chặt đầu hoặc treo cổ. Một nhân chứng nói, “Giống như sét đánh, mã tấu của người hành quyết lia nhanh qua cổ nạn nhân, một người sửa xe đạp một mắt, không quyền lực. Đầu ông bị quăng vào giỏ. Sau đó, hai tay ông được cởi trói để trông như thể ông chết mà không bị trói trước. Lúc đầu, cái xác không đầu của ông chìm mất dưới mặt nước, rồi cuối cùng nó cũng đã nổi lên. Người kế tiếp bị giết là một phụ nữ; Tôi không biết cô ấy là ai.” Ở một phần của đất nước, các con sông dày đặc với xác người đến nổi nước không chảy được. Toà đại sứ Hoa Kì đã góp phần vào các vụ giết người này với việc cung cấp cho quân đội danh sách những người cộng sản.

Trên toàn thế giới, tất cả các bên dường như nhẹ nhỏm vì Sukarno đã ra đi. Người Mĩ có lí do nhất để được giải tỏa. “Cuối cùng chúng ta có Sukarno trên đường chạy trốn,” Robert Komer đã viết thư cho tổng thống Johnson. “Thật khó để đánh giá quá cao tầm quan trọng tiềm tàng của chiến thắng rõ ràng của quân đội đối với Sukarno. Indonesia ... quả đang trên đà trở thành một nước cộng sản bành trướng, điều này có thể gây nguy hiểm cho hậu phương toàn bộ vị trí của phương Tây ở lục địa Đông Nam Á. Bây giờ... xu hướng này đã bị đảo ngược rõ rệt.” Liên Xô liếm vết thương của mình nhưng đổ lỗi cho Sukarno và PKI về thảm họa này. Trung Quốc, theo quan điểm Maoist cục bộ của họ, cũng không bị xao động. Bộ trưởng ngoại giao Trần Nghị (Chen Yi) nói: “Tôi nghĩ sẽ là một điều tốt nếu Sukarno bị lật đổ. Sukarno có thể làm trung gian giữa phe tả và phe hữu. Nhưng tương lai của Indonesia phụ thuộc vào cuộc đấu tranh vũ trang của PKI. Đây là điều quan trọng nhất.” Những điều tưởng tượng của Trần Nghị đã sớm bị xua tan. Đảng cộng sản mạnh mẽ nhất bên ngoài khối Xô Viết đã bị nghiền nát mãi mãi, và Indonesia đã bước vào 30 năm cánh hữu nắm quyền độc tài.

Việc rất nhiều nhà lãnh đạo Thế giới thứ ba bị lật đổ vào giữa những năm 1960 có nghĩa là cả phong trào này bị rơi vào khủng hoảng. Nổi cộm là việc hội nghị Á-Phi dự trù tổ chức ở Algiers vào mùa thu năm 1965 không bao giờ diễn ra. Một trong các đại biểu cho biết, thất bại của cuộc họp bị huỷ là “bia mộ của thế giới Á-Phi.” Nhiều nước khác trong nhóm Á-Phi, như Ai Cập, Algeria, Syria, Iraq và Ấn Độ, bắt đầu tự hướng mình về phía Liên Xô, ít nhất là về mặt trợ giúp và các mô hình phát triển. Cuba và Nam Tư, nói rằng những người cộng sản mặc dù có nhiều dạng khác nhau, cũng đều làm tăng ảnh hưởng của mình. Các nước khác thuộc Thế giới thứ ba bắt đầu chú trọng đến các lợi ích kinh tế của mình nhiều hơn, thường liên quan đến việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên như dầu lửa. Đối với người Mĩ, chắc chắn cảm thấy nhẹ nhỏm về việc này. Nhưng những chiến thắng này phải được củng cố thêm lên. Robert Komer khuyên Johnson, “Khi bày tỏ sự hài lòng của mình với ngoại trưởng và những người khác đối với cuộc đảo chánh ở Indonesia và Ghana, tổng thống cần nói rõ rằng chúng ta nên khai thác những thành công đó một cách nhanh chóng và khéo léo nhất tới mức có thể được.”

Việc quay lưng lại với những lí tưởng của Thế giới thứ ba ở châu Á và châu Phi đã làm cho các cách tiếp cận của Mĩ ở VN và Đông Dương trở nên cứng rắn hơn. Bây giờ nhìn lại thật dễ thấy rằng chính quyền Johnson đã rút ra những bài học sai lầm từ khúc quanh giữa thập niên 1960. Họ cho rằng sự cương quyết của Mĩ ở VN đã góp phần đáng kể làm cho các nơi khác rời bỏ chủ nghĩa cực đoan, mặc dù ngay cả CIA cũng không tìm thấy bằng chứng cho điều đó. Việc thiếu óc tưởng tượng trong chính sách của Mĩ đối với VN từ giữa những năm 1960 là nổi bật. Đối mặt trước tình hình bất ổn chính trị tiếp diễn ở Nam VN, Ngoại trưởng Dean Rusk kết luận vào tháng 4 năm 1966 rằng “đối với các quốc gia bị đe doạ ở châu Á, chúng ta phải tự hỏi chính mình liệu thất bại ở VN do những khó khăn chính trị rõ ràng là ngoài sự kiểm soát của chúng ta sẽ ít nghiêm trọng hơn thất bại mà không có yếu tố này hay không.” Câu hỏi đặt ra là liệu có bất kì một đường hướng phòng vệ vững chắc nào ở Đông Nam Á không nếu VN bị đổ. Ở đây, chúng ta phải thừa nhận rằng chế độ chống cộng ở Indonesia đã là một “bước đột phá” to lớn đối với chúng ta .... Nhưng trong một hoặc hai năm nữa cơ hội nắm giữ phần còn lại của Đông Nam Á đều dựa trên cùng các yếu tố được đánh giá cách đây một năm, liệu Thái lan và Lào trong trường hợp đầu tiên rồi Malaysia, Singapore, và Miến Điện gần kề phía sau (khi đối mặt với thất bại của Hoa Kì vì bất kì lí do nào ở VN) có còn ý chí sót lại đáng kể nào trong việc chống lại áp lực của cộng sản Trung Quốc có lẽ sẽ tác động vào lúc đó.... Thái Lan đơn giản không thể giữ được trong tình huống này, và phần còn lại của Đông Nam Á có lẽ sẽ theo đúng tiến trình. Nói cách khác, cục diện chiến lược ở Đông Nam Á về cơ bản vẫn không bị bản chất chính trị của nguyên nhân thất bại ở VN làm thay đổi. Điều tương tự gần như chắc chắn cũng đúng với những làn sóng thần sẽ nổi lên với các quốc gia tự do khác (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, và Philippines) ở khu vực rộng lớn hơn của Đông Á.

Vì thế, Hoa Kì đã tiếp tục chiến đấu ở VN, ngay cả khi thắng lợi dường như khó nắm bắt. Theo lời khuyên của Lầu năm góc, chính quyền Johnson đã đổ thêm nhân lực và tài nguyên vào đất nước này, xây dựng sân bay, cảng nước sâu, căn cứ và bệnh viện, cộng với sự trợ giúp dân sự cho chính quyền miền Nam, có vẻ ngày càng cho nhiều hơn cho việc đánh nhau và ngày ít hơn về khả năng tự bảo vệ. Chiến dịch không quân Mĩ đã được mở rộng, sử dụng máy bay ném bom B-52 cho các mục tiêu bên trong Bắc VN. Chiến lược (nếu có thể gọi như thế) là triển khai quân đội Hoa Kì chiến đấu ở vùng biên khu vực phòng thủ của miền Nam VN để gây thiệt hại tối đa cho các đơn vị MTGP và Bắc VN. Quân đội Nam VN sau đó sẽ có thể đối phó với các chiến binh MTGP trong những phần cốt lõi của Nam VN. Lí thuyết đưa tiếp là khi số thương vong của cộng sản tăng thêm thì sẽ đi đến điểm mà Hà Nội không còn cách nào khác ngoài việc đi đến bàn đàm phán theo các điều kiện của Hoa Kì.

Không có yếu tố nào trong chiến lược này có được kết quả. Quân Mĩ dưới quyền Tướng William Westmoreland gây ra thiệt hại to lớn cho lực lượng cộng sản. Có 800 000 lính Bắc VN và MTGP đã chết trong chiến tranh, so với tổng cộng 58 000 lính Mĩ. Nhưng những chiến thắng của Mĩ trên chiến trường không thể chuyển được thành việc giữ được lãnh thổ. Ngay sau khi người Mĩ đi tiếp, các đơn vị cộng sản đã chuyển vào trở lại. Có nhiều khu vực ban ngày do Nam VN và người Mĩ nắm giữ, ban đêm do MTGP kiểm soát. Sự trung thành của người dân địa phương đối với chính quyền Sài Gòn khá mờ nhạt trên khắp đất nước. Mặc dù hầu hết nông dân chỉ muốn thoát khỏi cuộc chiến, một số lượng đáng kể thanh niên nam nữ đã tình nguyện chiến đấu cho cộng sản. Để khắc phục vấn đề kiểm soát, Mĩ và Nam VN đã bắt đầu đưa nông dân vào “các ấp chiến lược”, nơi mà (bề ngoài có vẻ) họ sẽ được lợi về chỗ ở và giáo dục tốt hơn. Trên thực tế, đó là để giữ cho nông dân không tiếp xúc với MTGP. Nhưng kết quả của cách hoạch định xã hội thời chiến như vậy thường là trái ngược với những gì mong muốn, vì người dân miền Nam không hài lòng khi bị chuyển khỏi vườn đất tổ tiên và làng quê của họ.

Như trong tất cả các cuộc xung đột trong Chiến tranh Lạnh, dân thường đã phải gánh chịu thương đau to lớn. Khoảng 50 000 người ở Bắc VN đã chết trong các vụ đánh bom của Mĩ. Hoa Kì đã bỏ nhiều bom ở Bắc VN hơn ở Nhật Bản trong suốt Thế chiến II. Hơn 200 000 người đã chết trong các chiến dịch chính trị của cộng sản ở phía bắc và phía nam. Hàng trăm nghìn người đã trở thành người tị nạn trên chính đất nước của mình, và hàng chục ngàn người đã bị thương do việc Hoa Kì dùng bom lửa napalm hoặc chất độc Da cam. Bây giờ có vẻ Chiến tranh VN là một trong những biểu hiện bi thảm nhất của Chiến tranh Lạnh, đánh nhau với số thương vong to lớn mà không có mục đích chính đáng.

Một trong những lí do chính khiến chiến lược của Mĩ lại không có kết quả là do sự trợ giúp của Trung Quốc và Liên Xô cho Bắc VN. Lê Duẩn đàm phán với các đồng minh của ông cách khôn khéo. Mặc dù Moscow và Bắc Kinh có mâu thuẫn trong suốt cuộc chiến tranh của Mĩ ở VN, nhưng Hà Nội vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ cả hai, ngay cả sau khi Trung Quốc và Liên Xô gần đi tới đánh nhau vào năm 1969. Hà Nội đã đạt được điều này một phần bằng cách biến sự trợ giúp cho Bắc VN thành thuốc thử cho sự hết lòng quốc tế chủ nghĩa cho mục đích này và một phần bằng cách khích cho hai cường quốc Cộng sản đua nhau về mặt trợ giúp. Cho đến năm 1965, sự ủng hộ quân sự và dân sự của Trung Quốc đối với Bắc Việt có to lớn hơn nhiều so với những gì đến từ Liên Xô. Bắc Kinh và Hà Nội cũng gần gũi hơn về mặt chính trị, với các nhà lãnh đạo cộng sản VN ủng hộ việc Trung Quốc cáo buộc Liên Xô là 'xét lại' và 'thiên hữu'. Nhưng sự cực đoan của Mao trong cách mạng văn hoá đã làm thay đổi mối quan hệ. Bắc VN không hài lòng vì liên tục bị nhắc nhở phải hành xử chính trị trong nước như thế nào và phải tránh 'xúc phạm' Trung Quốc với việc nói tới viện trợ của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Vệ binh đỏ hình thành từ các cố vấn Trung Quốc đã tập hợp ở Hà Nội và Hải Phòng để hô hào người VN lên án chủ nghĩa xét lại và học hỏi chủ tịch Mao. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa Mao đã chặn hàng viện trợ quân sự của Liên Xô đến qua ngã Trung Quốc lại. Tại Bắc Kinh, chủ tịch Mao vẫn nhấn mạnh rằng ông là người phán xét cuối cùng về việc người VN phải tiến hành cưộc chiến như thế nào. Khi gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng và tướng Võ Nguyên Giáp năm 1967, Mao nói với họ rằng “đánh giặc cũng giống như ăn: tốt nhất là không cắn miếng quá to. Khi đánh nhau với quân đội Mĩ, các đồng chí có thể cắn cỡ một trung đội, một đại đội, hoặc một tiểu đoàn. Còn với quân đội của chế độ bù nhìn thì các đồng chí có thể có cắn cỡ một trung đoàn. Tức là đánh nhau cũng giống như ăn uống, các đồng chí phải cắn từng miếng một. Rốt cuộc, đánh nhau không phải là một nhiệm vụ quá khó. Cách tiến hành nó giống y như cách ăn.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo chính trị ở Hà Nội bị để lại ấn tượng rằng Trung Quốc sẵn sàng đánh Mĩ tới người VN cuối cùng. Do đó, họ ngày càng quay sang Liên Xô. Và Liên xô sẵn sàng đáp lại. Liên Xô nhìn thấy một cơ hội để làm nhục Mĩ và trừng phạt Trung Quốc. Sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Bắc VN đã tăng lên cao độ vào năm 1967, cả về quân sự lẫn dân sự. Nhưng cùng lúc đó, Moscow khuyên Lê Duẩn và bộ sậu hãy đàm phán khi có cơ hội. Mục đích của Liên Xô nhằm đảm bảo rằng cuộc chiến tranh của Mĩ ở VN đi tới chỗ tồi tệ, trong khi cho thấy Moscow giữ vai trò là bên khuyến khich đàm phán. Dễ hiểu việc Bắc VN quyết định cố đạt được những chiến thắng đáng kể và đột ngột trên chiến trường để họ có thế mạnh trong quan hệ với các nhà bảo trợ của mình cũng như với miền Nam VN và Mĩ. Những thắng lợi như vậy, theo Lê Duẩn, sẽ rất quan trọng khi đàm phán bắt đầu. Nhưng ông cũng hi vọng có sự sụp đổ của  chế độ Nam VN và chiến thắng hoàn toàn.

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân của Bắc VN và MTGP bắt đầu vào tháng 1 năm 1968. Hà Nội ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện và tổng nổi dậy ở miền Nam. Mặc dù không đạt được mục tiêu tối đa, cuộc tấn công đã làm rung chuyển cơ cấu quyền lực của Nam VN và gây ra nhiều nghi ngờ về hiệu quả của cam kết của Hoa Kì đối với chế độ tại Sài Gòn. Các đơn vị cộng sản đã tấn công khắp đất nước, kể cả các khu vực trung tâm thủ đô. Tại đó họ vào bên trong toà đại sứ Mĩ, chiếm đài phát thanh chính, và chiến đấu xung quanh dinh tổng thống. Những hoạt động này và những “hoạt động ngoạn mục” tương tự khắp Nam VN trên thực tế là những sứ mệnh tự sát, nơi mà các chiến binh Cộng sản chủ yếu bị giết trong vòng vài giờ. Các tăng cường từ các đơn vị lớn hơn chẳng bao giờ đến, và cuộc tổng nổi dậy đã không trở thành hiện thực. Nhưng việc đánh nhau tại Sài Gòn và các thành phố khác đã được trình chiếu trên truyền hình Mĩ vào giờ trọng điểm, ở đó một số phóng viên tin tức bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả của chiến tranh. Walter Cronkite của CBS, vừa từ VN trở về, nói với khán giả rằng “chúng tôi đã quá thất vọng với sự lạc quan của các nhà lãnh đạo Mĩ, cả ở VN lẫn Washington, để có niềm tin dài lâu hơn vào cái may trong cái rủi ro nhất ... Vì bây giờ dường như chắc chắn hơn bao giờ hết rằng kinh nghiệm đẫm máu của VN sẽ phải kết thúc bằng một bế tắc... Đối với phóng viên này ngày càng rõ ràng rằng cách hợp lí duy nhất lúc đó sẽ là thương lượng, không phải với tư cách là người chiến thắng mà là người trọng danh dự vốn đã cam kết bảo vệ dân chủ, và đã làm hết sức mình.”

Khoảng 1 500 lính Mĩ thiệt mạng và 7 000 bị thương trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Mặc dù cộng sản có thể bị thiệt hại gấp 20 lần, nhưng ấn tượng rằng cuộc chiến tranh không thắng được đã bắt đầu lan rộng ở Hoa Kì và trong các đồng minh. Từ năm 1967 đã có những cuộc biểu tình quy mô lớn chống chiến tranh trên khắp nước Mĩ, do các tổ chức sinh viên hoặc các nhóm hoạt động độc lập tổ chức. Xảy ra cùng lúc là tinh thần đấu tranh của phong trào người Mĩ gốc Phi cũng tăng lên, nhiều người Mĩ bắt đầu cảm thấy rằng đất nước đã mất phương hướng và sự hỗn loạn đang đe dọa. Đối với hầu hết người biểu tình, việc chống chiến tranh ở VN và áp bức chủng tộc tại Mĩ là một và như nhau. “Bắn họ vì cái gì? Họ không bao giờ gọi tôi là một thằng mọi (nigger),” nhà vô địch quyền anh hạng nặng của thế giới, Muhammad Ali nói với những người đang cố bắt ông vào lính. Ngay cả Martin Luther King Jr., nhà lãnh đạo dân quyền chừng mực, đã tuyên bố vào tháng 4 năm 1967 rằng “sẽ tới lúc im lặng là phản bội: thời điểm đó đã đến cho chúng ta trong quan hệ với VN.... Chúng ta đang lấy thanh niên da đen vốn đã bị què quặt bởi xã hội chúng ta và gửi họ tới chỗ cách xa 8 000 dặm để đảm bảo quyền tự do ở Đông Nam Á mà quyền này lại không tìm thấy ở tây nam Georgia và đông Harlem .... Tôi đã cố gắng dành cho họ niềm thương cảm sâu sắc nhất trong khi vẫn duy trì niềm tin rằng thay đổi xã hội phải đến một cách có ý nghĩa nhất thông qua đấu tranh bất bạo động. Nhưng họ hỏi, và hỏi đúng ‘Còn VN thì sao?’ Họ hỏi nếu như nước chúng ta không sử dụng bạo lực quá liều lượng để giải quyết các vấn đề của VN, để mang tới những thay đổi mà VN muốn. Câu hỏi của họ đã đụng tới Mĩ và tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ cất tiếng nói chống lại bạo lực của những người bị áp bức trong khu phố ghetto lần nữa mà trước hết không nói rõ ràng với kẻ chuyển tải bạo lực lớn nhất thế giới hôm nay: chính phủ của chính tôi.

Cuộc chiến tranh ở VN hủy hoại uy tín tổng thống của Lyndon Johnson và khiến ông quyết định không tái tranh cử vào năm 1968. Theo nhiều cách, đó là một bi kịch: một chính quyền vốn có khát vọng cao như vậy cho chuyển đổi trong nước Mĩ, và đã hoàn thành rất nhiều điều, đã bị hủy hoại bởi một cuộc chiến tranh ở nước ngoài mà nó dấn vào vì sự thiếu hiểu biết và vì lề thói của Chiến tranh Lạnh. Nhưng có thể có nhiều sự nhất quán hơn trong cách tiếp cận thế giới của Lyndon Johnson so với mức ông thường được ghi nhận. Đối với ông, cũng như đối với Kennedy, cải cách trong nước và chống Chiến tranh Lạnh là đi đôi với nhau. Hoa Kì không thể thành công trọn vẹn mặt này nếu không thành công mặt kia. Bi kịch thật sự của VN ở Mĩ là nó đã trở thành chất xúc tác cho thất bại trên cả hai mặt này. Johnson để đất nước của mình trở nên mất phương hướng về những gì có thể đạt được trong nước và cảm thấy không an toàn về cách nó có thể ảnh hưởng đến các sự kiện ở nước ngoài hơn bao giờ hết trong thế kỉ XX.

Bi kịch thật sự của VN dĩ nhiên là bi kịch của VN. Như với Triều Tiên, VN đã bị Chiến tranh Lạnh làm tan tác, qua sự tàn bạo lẫn các kế hoạch phát triển thất bại của Đảng cộng sản, cũng như qua sự chiếm đóng và đánh bom của Mĩ. Sự khác biệt với Triều Tiên là cộng sản VN hầu như độc quyền về chủ nghĩa hoạt động yêu nước, và các nhà lãnh đạo Nam VN không bao giờ có thể thành lập được chính phủ đáng tin cậy của chính họ. Liệu điều này có khác đi nếu như Nam VN có nhiều thời gian để tự lập? Không có bằng chứng cho điều đó. Ngược lại, Hoa Kì đã chi nhiều tiền và công sức cho VN hơn bất kì cuộc can thiệp nào khác trong Chiến tranh Lạnh. Việc Mĩ không thành công không phải là do thiếu nỗ lực. Có lẽ chính vì VN không phải là chỗ đúng cho can thiệp.

Khi chiến tranh VN chuyển dần sang đàm phán thực sự, rõ ràng là sự can thiệp của Mĩ ở đó đồng nghĩa với một sự giảm mạnh trong hậu thuẫn cho vai trò của Mĩ trên toàn cầu. Đó là một điều trớ trêu đúng vào lúc phần lớn châu Phi và châu Á bắt đầu quay lưng với đề án của Thế giới thứ ba và Cuba thất bại trong việc cách mạng hóa Mĩ Latin, Hoa Kì đã bị mắc kẹt trong một trong số ít xung đột mà nó không thể thắng được. Về mặt cảm tính, nó đã trả một mức giá cao cho sự điên rồ của mình. Nhiều đồng minh Châu Âu của Hoa Kì đã kêu gọi chấm dứt vô điều kiện việc đánh bom Bắc VN. De Gaulle của Pháp, với tính đỏng đảnh đặc trưng sau thảm họa của chính Pháp ở Đông Dương, gọi cuộc chiến tranh này là cuộc "toàn quốc kháng chiến" của VN chống Hoa Kì, và việc leo thang của Mĩ là "ảo tưởng" gây khiêu khích với Trung Quốc và Liên Xô và đã bị "một số lượng lớn các dân tộc Châu Âu, Châu Phi, Mĩ Latinh lên án và ngày càng đe dọa đến hòa bình thế giới.”

Về mặt Chiến tranh lạnh toàn cầu, sự can thiệp của Hoa Kì vào Đông Dương đã tạo cơ hội cho Liên Xô tái khẳng định mình như là sự thay thế phổ quát đối với sự thống trị của Mĩ và sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Tính từ cuộc nổi dậy ở Hungary đến bức tường Berlin và cuộc khủng hoảng ở Congo, Liên Xô dường như tụt lại phía sau. Bị thách thức bởi sức mạnh của Mĩ, cũng như bởi sự bất mãn ở Đông Âu, sự đổ vỡ với Trung Quốc, và sự hình thành của Thế giới thứ ba, Liên Xô và hệ thống của họ có vẻ lạc điệu với cách thế giới đang chuyển biến. VN đã cho họ một cơ hội để lấy được sức mạnh. Việc tái khẳng định này xảy ra do những thất bại của người khác ít có liên quan đến câu chuyện hơn là do chính họ đạt được vào thời điểm đó. Nếu nghĩ theo cách lưỡng cực, như nhiều người đã làm trong Chiến tranh Lạnh, thì cục diện  ít nhiều không đổi khác. Cái mất của Mĩ được coi là cái được của Liên Xô.

Mặc dù sự tập trung vào VN đã không làm chuyển sự chú ý của Mĩ khỏi châu Âu, nơi mà NATO vẫn còn mạnh mẽ dù de Gaulle và những người khác thách thức, nhưng có thể nó đã ngăn chính quyền Johnson không dấn vào các cuộc khủng hoảng mới. Một trong số đó là vấn đề người tị nạn Palestine tại Trung Đông, nơi căng thẳng lại tăng lên lần nữa. Johnson đã tăng sự ủng hộ của Mĩ cho Israel, mà ông coi là một hòn đảo ổn định kiểu phương Tây trong một khu vực hỗn loạn. Do Thái nhận được nhiều sự trợ giúp dân sự hơn, cũng như tiếp cận các thiết bị quân sự như máy bay ném bom và xe tăng. Johnson cũng cố ý nhắm mắt làm ngơ trước chương trình vũ khí hạt nhân của Israel. Năm 1965, tổng thống nói với một trong những thành viên nội các gốc Do thái, Abraham Ribicoff, ông coi trọng làm việc với người Do Thái đến mức nào. “Tôi đã có một cuộc điện thoại đường dài từ [Thủ tướng Israel Levi] Eshkol hôm qua (một cuộc nói chuyện thật sự tốtvào ngày sinh nhật của tôi. Tôi đã thực sự cứu ông ta, và đã giúp ông thiết bị và các thứ. Tôi đã thực hiện nó một cách lặng lẽ, và, tôi nghĩ, khá hiệu quả.” Người Palestine đơn giản đã không có mặt trong phương trình.

Một sự thiếu sót khác là những sự phát triển ở Nam Phi, nơi mà người Bồ Đào Nha bám vào đế chế đổ nát của họ và các chế độ coi người da trắng ưu việt đang phát triển ở Nam Phi và Rhodesia. Nam Phi là vấn đề xoá thực dân lớn cuối cùng, và Johnson đã tim cách né tránh nó tới mức có thể. Mặc dù không nghi ngờ gì về việc ông ghê tởm chế độ apartheid (phân biệt chủng tộc) ở Nam Phi (Johnson, xét cho cùng, là tổng thống ủng hộ dân quyền lớn nhất trong lịch sử Hoa Kìông cảm thấy rằng cần đưa cả Nam Phi và Bồ Đào Nha vào cuộc về mặt Chiến tranh Lạnh. Robert Komer đã nêu tình huống lưỡng nan của Johnson cho ông một cách ngắn gọn: căn cứ Azores mà Hoa Kì thuê của Bồ Đào Nha “làm cho việc chống Bồ Đào Nha trở nên khó khăn, trong khi vốn liếng kinh tế của Anh ở Rhodesia và Nam Phi lại khiến chúng ta miễn cưỡng để thúc đẩy họ quá mạnh... Trong chừng mực mà chúng ta có thể đi trước những vấn đề này một ít thay vì bị lôi kéo một cách miễn cưỡng đến những điều không tránh khỏi, chúng ta có thể giữ cho các vấn đề châu Phi của chúng ta được sửa chữa một cách hợp lí.

Nhưng các sự kiện ở Nam Phi không chờ đợi những thay đổi chậm chạp mà Hoa Kì đang bắt đầu nỗ lực thực hiện cho các vấn đề về xoá thực dân và bình đẳng chủng tộc. Vào khoảng năm 1968 các phong trào giải phóng đã cầm vũ khí chống lại người Bồ Đào Nha ở Angola, Mozambique và Guinea Bissau. Tại Nam Phi, phong trào chống apartheid chính, ANC, đã quyết tâm đi vào đấu tranh vũ trang chống lại chế độ ở Pretoria. Thay vì tỏ tình đoàn kết với những người bị áp bức, chính quyền Johnson lo lắng về ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc đối với các phong trào giải phóng. Johnson nghĩ, người châu Phi nên biết ơn những gì mà ông đã cố làm cho họ như cho người Mĩ gốc châu Phi, Khi uy tín tổng thống của ông suy sụp nhanh chóng do náo loạn trong người da đen và sinh viên, cùng với cuộc chiến tranh không thể thắng được ở VN, Johnson than thở cho số phận của mình. Ông nói với các cố vấn: “Tôi đòi hỏi đáp lại rất ít. Chỉ cần một chút cảm ơn. Chỉ cần một chút trân trọng. Thế thôi. Nhưng hãy xem tôi đã nhận được gì thay vào. Bạo loạn ở 175 thành phố. Hôi của. Đốt phá. Bắn giết. Mọi thứ bị hủy hoại”. Và khi Johnson tự hỏi tại sao các thành phố của Mĩ bị đốt  cháy thì Chiến tranh Lạnh lại có những bước ngoặt mới ở nước ngoài.