Pages

Wednesday, April 26, 2017

Karl Marx vẫn còn tác dụng

Karl Marx vẫn còn can hệ: những cái phe tả hiện đại có thể học được từ triết gia này

(Karl Marx still matters: what the modern left can learn from the philosopher)

Trò chuyện với nhà sử học Gareth Stedman Jones.

Sean Illing
Vox 18 tháng 4 năm 2017


London, Anh, ngày 7 tháng 10 năm 2007: Nơi tưởng niệm Karl Marx tại nghĩa trang Highgate. Shutterstock

Tại lễ tang của Karl Marx, người bạn và cộng sự lâu năm Friedrich Engels đã tuyên bố với khoảng chục người đến dự, "Tên ông cũng như các trước tác của ông sẽ bền vững qua nhiều thời đại".

Lời của Engels chắc chắn đã được xác nhận. Dù chủ nghĩa Mác đã thất bại nhưng ý tưởng của Marx đã làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện của Marx, nhà tư tưởng, là phức tạp.

Marx có rất nhiều điều đúng. Phê phán của ông về chủ nghĩa tư bản sai trái nhưng lại hữu ích vô cùng. Ông biết rằng công nghiệp hóa sẽ làm đảo lộn các hệ thống xã hội hiện tại và tạo ra những hệ thống mới thay vào. Ông cũng thấy, có lẽ cũng như bất cứ ai, những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản và sự biến động của các chu kì kinh doanh.

Marx cũng có rất nhiều điều sai. Ông cho rằng bản chất con người có tính co dãnmềm dẻo, có khả năng có bất kì hình dạng nào hễ có đúng điều kiện. Ngoài việc không đúng sự thật, đây là luận điệu biện minh chuẩn bị sẵn cho các thí nghiệm kì cục trong việc lèo lái xã hội.

Marx điên cuồng tin rằng lịch sử đi theo một hướng rõ ràng: Sự vận động tiến tới một xã hội không tưởng phi giai cấp là không thể thay đổi và hiển nhiên. Đây là lúc Marx ở giai đoạn tồi tệ nhất, nâng ý tưởng lên trên kinh nghiệm, nâng hi vọng lên trên logic.

Trong những trước tác lúc đầu, ông tin rằng chủ nghĩa tư bản nhất định phải tiêu vong. Sau đó, Marx đã rút lại khẳng định này, khi nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản bền vững hơn ông nghĩ ban đầu. Vào thời điểm cuốn Tư bản ông viết phát hành vào năm 1867, hơn hai thập k sau khi Tuyên ngôn Cộng sản được công bố, ông đã hình dung chủ nghĩa cộng sản như là một đối thủ (competitor) hơn là cái thay thế tất yếu của chủ nghĩa tư bản.

Nhưng nhiệt tình cách mạng của Marx thời kì đầu đã quá quyến rũ đối với những người theo chủ nghĩa Mác để theo bước ông. Chủ nghĩa Marx, như nhà văn Pháp Albert Camus nói, đã trở thành một "tôn giáo theo chiều ngang", thay Chúa bằng lịch sử, thay sự cứu rỗi đời đời bằng thiên đường trần thế.

Với tất cả mọi thứ được thực hiện theo tên ông, di sản của Marx thách thức sự mô tả giản đơn. Lời của Marx có chịu trách nhiệm cho hành động của những người Marxist? Kể câu chuyện của ông theo cách nhìn nhận cả cái đúng lẫn cái sai của ông như thế nào?

Có vô số tiểu sử của Marx — có lẽ là quá nhiều. Karl Marx: Tiểu sử” của David McLellan, xuất bản lần đầu năm 1973, vẫn là cuốn tốt nhất và sâu sắc nhất. Nhưng cuốn mới nhất của Gareth Stedman Jones, nhà sử học về tư tưởng thuộc Đại học London, là một bổ sung đáng chú ý.

Cuốn sách có tên là “Karl Marx: sự vĩ đại và ảo tưởng” của Jones là một cố gắng để loại bỏ việc huyền thoại hoá Marx và đặt ông lại trong "môi trường thế kỉ thứ mười chín của ông". Đó là một tiểu sử đồng cảm nhưng có cân nhắc. Hình ảnh Marx mà chúng ta có được khác với hình ảnh mà chúng ta đã quen: một nhà tư tưởng đam mê nhưng linh hoạt, ông sẽ phản đối nền chính trị thực hiện theo tên của ông.

Nhưng câu hỏi thú vị nhất là câu mà Jones không trả lời trọn vẹn: Liệu Marx có tác dụng vào lúc này?

Mới đây tôi đã ngồi với Jones để nói về cuốn sách đó. Tôi hỏi anh tại sao những ý tưởng của Marx vẫn còn thích đáng, ông đã đúng và sai điều gì về chủ nghĩa tư bản, và phe tả hiện đại có thể học được từ Marx điều gì.

Sean Illing
Xin cho biết tại sao Karl Marx vẫn còn can hệ.

Gareth Stedman Jones
Tôi nghĩ rằng trước tiên chúng ta phải tách Marx ra khỏi chủ nghĩa Marx. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa Marx có thể sai theo nhiều cách khác nhau. Nhưng hãy tập trung vào những gì mà chính Marx thể hiện. Dù chúng ta nghĩ về ông như thế nào, ông đã đưa ra một bức tranh tuyệt vời về logic phát triển của chủ nghĩa tư bản - nó tạo ra thị trường thế giới như thế nào, nó sáng tạo ra nhu cầu mới như thế nào, nó phá bỏ các tập tục văn hoá được truyền lạicoi thường các hệ thống tầng bậc như thế nào và v.v.

Ông giải thích tất cả những điều này với sự rõ ràng đáng kinh ngạc trong Tuyên ngôn Cộng sản, mà theo nhiều cách đó là một bài ca chiến thắng (paean) đối với giai cấp tư sản tư bản chủ nghĩa và những gì họ tạo ra.

Sean Illing
Bài ca chiến thắng có lẽ là một từ quá mạnh, nhưng chắc chắn Marx có một sự nể trọng đối với những thành tựu của chủ nghĩa tư bản. Anh sẽ nói gì về việc ông ấy hầu như phản ứng chống lại những trước tác đầu tiên của mình? Mỗi nhà tư tưởng vĩ đại đều là sản phẩm của thời đại mình, nhưng điều này có vẻ đặc biệt đúng với Marx.

Gareth Stedman Jones
Marx được hình thành về mặt tri thức bởi các phê phán về tôn giáo và Kitô giáo nói riêng trong thế kỉ 19. Ông thực sự bám vào ý tưởng rằng Chúa không tạo ra con người mà con người tạo ra Chúa. Nói cách khác, chủ thể và đối tượng bị đảo ngược.

Cái mới của Marx là nói rằng điều này có thể áp dụng được không chỉ với Chúa mà còn với các thứ trừu tượng khác, như nhà nước hay kinh tế: Con người tạo ra những thứ này trong quá trình lịch sử nhưng đối với họ chúng dường như có sức mạnh độc lập, mặc dù con người là kẻ sáng tạo ra chúng chứ không phải ngược lại.

Sean Illing
Tại sao ý tưởng rằng con người tạo ra Chúa chứ không phải ngược lại, lại là một tuyên bố làm mất ổn định về chính trị như thế?

Gareth Stedman Jones
Marx thay đổi bản chất và ý nghĩa của việc phê phán tôn giáo. Thay vì thách thức các khẳng định của Kinh thánh hay Kitô giáo, ông nói rằng chúng ta phải hiểu tôn giáo, giống như mọi thứ khác, theo góc độ tiến hóa và lịch sử nhân loại; rằng những thứ chúng ta coi là thần thánh hay vĩnh cửu chỉ đơn thuần là những sản phẩm của con người, và với việc bỏ quên sự thực đó, chúng ta để cho chính mình trở thành đối tượng chứ không phải là chủ thể.

Karl Marx Wax Figure at Madame Tussauds
Tượng sáp Karl Marx tại Madame Tussauds
Ảnh của Sean Gallup / Getty Images

Sean Illing
Như vậy khi Marx phê phán tôn giáo không phải vì nó không đúng mà vì ông nghĩ rằng nó tướt đi khỏi con người ý thức kiểm soát (suy nghĩ và hành động) của mình.

Gareth Stedman Jones
Điều đó khá đúng. Dù thật hay không thì đó là một cái gì đó đã được David Strauss và Bruno Bauer và nhiều người khác trước họ và thực ra trong thế kỉ 18 có bàn luận. Phê phán của Marx nhắm vào việc thay đổi điều kiện vật chất của con người, chứ không phải giải quyết những điều vớ vẩn thần học. Vì vậy, ông mở rộng những phê phán của mình tới lĩnh vực xã hội và chính trị.

Ông nói rằng chủ nghĩa tư bản, không giống như chế độ phong kiến hay chế độ nô lệ, không phải là sản phẩm của sự chinh phục mà là kết quả của sự phát triển của xã hội dân sự. Nói cách khác, hoạt động của con người đã dẫn đến chủ nghĩa tư bản một cách tự nhiên. Nhưng, theo thời gian, chúng ta đã bị trói buộc vào tiến bộ của nó và do đó quên rằng chúng ta là kẻ tạo [ra nó] và luôn có khả năng tạo ra một cái gì đó mới hoặc tốt hơn hoặc công chính hơn.

Sean Illing
Người ta có xu hướng tập trung rất nhiều vào các trước tác ban đầu của Marx, bởi vì đó là nơi mà ta có được sự lãng mạn và nhiệt tình cách mạng, nhưng ta có vẻ thích Marx lúc sau.

Gareth Stedman Jones
Tôi quan tâm nhiều hơn tới việc Marx đạt đến đâu vào những năm 1860, đó là việc lập luận rằng cách mạng không chỉ là một biến cố mà là một quá trình, rằng nó là tích lũy. Tôi nghĩ rằng ông đã phát minh ra ngôn ngữ về dân chủ xã hội, thực sự lan rộng trong 40 hoặc 50 năm sau. Marx không phải là nhà phát minh duy nhất ra ngôn ngữ này, nhưng ông là nhà phát minh chính. Ông đã khởi xướng thành công phong trào công nhân quốc tế theo nhiều cách. Theo nghĩa đó, ông là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của nền dân chủ xã hội.

Sean Illing
Ngôn ngữ và ý tưởngcủa Marx lan rộng, nhưng chúng cũng được lọc lựa và thay đổi. Có một chủ đề lặp đi lặp lại trong cuốn sách của anh, ý tưởng rằng những gì được nói và làm dưới tên của Marx thường phản bội tinh thần trong các trước tác của ông.

Gareth Stedman Jones
Trong những năm 1850, Marx vẫn nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản là một cơ thể, do đó sẽ có việc sinh ra, lớn lên, trưởng thành, và chết đi. Ông nghĩ rằng logic của hàng hoá và các giao dịch cá nhân sẽ lan rộng và bao trùm cả thế giới, và cuối cùng, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng và sự sụp đổ một khi hệ thống đó cạn kiệt nguồn lực. Dù sao đi nữa, đó là hi vọng của Marx từ năm 1848 tới 1857.

Tuy nhiên, ông dần dần nhận thức được rằng chủ nghĩa tư bản dễ phục hồi hơn thế, rằng nó có thể điều chỉnh việc sản xuất quá mức và dân số quá mức, thu hoạch xấu và mọi thứ còn lại. Nói cách khác, ông thấy rằng chủ nghĩa tư bản không ở trong một cuộc khủng hoảng cuối cùng nào đó mà sẽ tiếp tục. Và điều đó trở nên ngày càng rõ ràng hơn sau khi ông xuất bản cuốn Tư bản, trong đó ông nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản không quá dễ bị thương tổn như ông từng hi vọng. Vì vậy, ông thực sự chuyển hướng và bắt đầu tin rằng chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy có thể sống sót theo cách nào đó và bỏ qua sự phát triển tư bản chủ nghĩa.

Sean Illing
Tại sao sự tiến hóa này không được phản ánh trong chủ nghĩa Marx vào đầu thế kỉ XIX?

Gareth Stedman Jones
Sự phát minh ra chủ nghĩa Marx thật sự xảy ra vào những năm 1870, và nó hoàn toàn gắn bó với niềm tin rằng toàn bộ hệ thống tất yếu phải bị huỷ diệt và phải bị lật đổ. Điều này dẫn đến một dạng trung thành kiểu tôn giáo với ý tưởng rằng chủ nghĩa tư bản đang trong tình trạng khủng hoảng và các cuộc cách mạng là cần thiết để đẩy nhanh sự sụp đổ của nó. Loại suy nghĩ này là cái tạo ra những người Bolsheviks trong thế kỉ 20.

Cuộc họp ở Putilov Works, Petrograd trong thời Cách mạng Nga 1917. Shutterstock

Sean Illing
Hãy nói thêm một ít về cái mà Marx thực sự tin tưởng. Marx bị ảnh hưởng bởi triết gia người Đức Hegel, người cho rằng lịch sử được thúc đẩy bởi các ý tưởng và sự tiến hóa của ý thức con người. Nhưng Marx đảo ngược lời Hegel, nói rằng chính đấu tranh giai cấp và lực lượng sản xuất định hình nhận thức của con người và do đó lịch sử.

Anh có nghĩ Marx đúng chỗ này không?

Gareth Stedman Jones
Tôi nghĩ rằng có một xu hướng đánh giá quá cao cho khẳng định ông đưa ra xúc cảm đến mức nào. Bạn có thể quay trở lại thế kỉ 17 và thấy rằng các nhà lí thuyết về luật tự nhiên đã đưa ra các khẳng định tương tự về mối quan hệ giữa tài sản, sản xuất và xã hội. Marx chỉ đơn giản nói rằng chúng ta bắt đầu với việc săn bắt và hái lượm và sau đó chúng ta có đồng cỏ rồi chúng ta có nền nông nghiệp và sau đó chúng ta có xã hội thương mại và các thoả thuận chính trị tương ứng với các giai đoạn phát triển này.

Sean Illing
Tôi thường thất vọng vì chúng ta không có khả năng tách rời thuyết quyết định lịch sử của Marx với các phê phán của ông về chủ nghĩa tư bản. Marx, như anh nói, đã sai về rất nhiều thứ, nhưng ông hiểu bệnh trạng của chủ nghĩa tư bản, mặc dù ông đã không xây dựng ra được cái khả dĩ thay thế nó.

Gareth Stedman Jones Tôi nghĩ rằng đây là một trong những cái nhìn sâu sắc nhất của Marx. Ông chỉ ra rằng những cái ta có không chỉ là tái sản xuất hay mở rộng việc phân chia lao động mà ta còn có cả một hệ thống tạo ra điều mới mẻ đồng thời nó tạo ra các hệ thống quan hệ xã hội mới mà tới lượt mình các hệ thống này lại tạo ra các nhu cầu mới. Điểm cơ bản của ông là hệ thống đó là một hệ thống vốn dễ thay đổi và bóc lột, vừa có thể bị khủng hoảng vừa có khả năng xói rỗng các tổ chức chính trị được nghĩ là tồn tại bên trên nó.

Sean Illing
Các phê phán chính mà anh nghe về Marx trong các nhà lí thuyết chính trị rằng ông là một nhà tư tưởng có hệ thống kép kín. Ông đã cố gắng thu nhỏ thế giới vào lí thuyết, để làm cho nó nằm vừa vặn trong một khung ý niệm, đó là một việc vặt của kẻ ngốc.

Đó có là một phê phán công bằng?

Gareth Stedman Jones
Tôi nghĩ phê phán đó đúng cho Engels và chủ nghĩa Marx hơn là cho chính Marx. Marx có nhiều hạn chế và có nhiều thứ khác mà ông không để tâm vào, và tôi nghĩ ông không thấy được nhiều điều trong số những điểm yếu này. Ông được biết qua phê phán của ông về tôn giáo nhưng ông cũng được biết bởi những lí tưởng Hi Lạp xưa về cái đẹp, số phận và công lí. Nhưng đôi khi ông không kiểm soát được mình. Ông cố biến thế giới thành một cái gì đó khác với chính nó. Tôi nghĩ rằng những kẻ theo ông đã đi xa hơn ông rất nhiều trong việc cố nhét thế giới vào một cái khung.

Sean Illing
Ý tưởng của Marx cho thấy những cuộc tranh luận hiện tại của chúng ta về vấn đề toàn cầu hóa, thương mại tự do và chủ nghĩa tân tự do như thế nào?

Gareth Stedman Jones
Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa tân tự do là một phiên bản mới của việc làm cho con người thành kẻ sáng tạo ra các lực lượng ngoài tầm kiểm soát của mình hơn là chịu trách nhiệm về chúng. Ví dụ, đối với tôi có vẻ có rất nhiều điều đã trở nên tệ hại từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vì trong giai đoạn giữa Thế chiến thứ hai và đầu những năm 90, luôn có ý thức rằng có một sự hiện diện của Cộng sản cần phải bị đánh trả và tranh đua.

Đó là thời hoàng kim cho nền dân chủ xã hội vì các chính phủ, kể cả chính phủ Mỹ hối hả tìm kiếm cái thay thế (alternative) cho chủ nghĩa cộng sản, nhưng điều đó có nghĩa là công nhận các công đoàn, khuyến khích các đảng dân chủ, khuyến khích hợp tác nhiều loại và v.v...

Kể từ năm 1991, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản không có lực phản kháng, và chính sự phát triển không kiểm soát được đó mà Marx đã phản ứng chống lại trong Tuyên ngôn Cộng sản. Hiện nay, cũng như trước đây, mọi người đều được cho biết rằng có một giới hạn cho những gì ta có thể làm và mặc dù việc làm của họ đang bị lấy đi và cuộc sống của họ đang bị đảo lộn, họ chỉ có việc phải đối phó với nó bởi vì nó là một kết quả không thể tránh khỏi của sự tiến bộ và phát triển.

Nhưng tôi nghĩ rằng đây là việc chúng ta thoái thác trách nhiệm của mình trong việc cải thiện và thay đổi thế giới.

Sean Illing
Dù sao thì chủ nghĩa tư bản dường như đã thắng. Luật vô thường áp dụng cho chủ nghĩa tư bản cũng nhiều như cho bất cứ thứ gì khác, nhưng không còn lựa chọn có ý nghĩa nào khác, không có gì ở phía bên kia của chủ nghĩa tư bản. Vậy điều đó đặt chúng ta ở đâu?

Gareth Stedman Jones
Tôi nghĩ chúng ta không nên chấp nhận điều đó. Những gì chúng ta nên nói là chủ nghĩa tư bản có thể là một đặc điểm không tránh được của thế giới, nhưng nó có thể kiểm soát được. Nó có thể chuyển thành các hình thức ít phá hoại hơn, và đó là những gì mà các đảng phái chính trị nên quyết tâm làm.

Sean Illing
Marx có câu viết nổi tiếng rằng các nhà triết học chỉ giải thích thế giới, trong khi cái chính là thay đổi nó. Không chút nghi ngờ là Marx đã thay đổi thế giới. Anh có nghĩ rằng Marx đã làm nó tốt lên không?

Gareth Stedman Jones
Rất khó để phân biệt tác động của ông với tác động của tất cả các loại hoàn cảnh khác, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta được tốt lên hơn là nhờ có các phê phán của ông.

Sean Illing
Phê phán của Marx về tôn giáo rằng nó là một loại thuốc gây mê. Có lẽ cần có một phê phán tương tự về thế giới hiện tại của chúng ta, bão hòa với điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội cùng với các hình thức phân tâm khác. Bạn có nghĩ rằng những công nghệ này ngăn chúng ta đối mặt với tình trạng của mình, và quan trọng hơn, ngăn chúng ta thay đổi nó?

Gareth Stedman Jones
Tôi nghĩ điều đó là đúng. Đó là chỗ mà suy nghĩ của Marx vẫn còn truyền cảm và tích cực. Ông nhấn mạnh rằng thế giới có thể khác đi. Dù đó là điện thoại thông minh hoặc internet hoặc băng chuyền và nhà máy, không có thứ gì trong số này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Có những cách để hạn chế những thứ này, hoặc ít nhất đảm bảo rằng chúng ta có thể kiểm soát được ảnh hưởng của chúng.
Luôn luôn có tiềm năng cho thay đổi, và chính trị là con đường dẫn đến sự thay đổi đó.

Saturday, April 1, 2017

Trung Quốc thật sự muốn gì ở Biển Đông?

Trung Quốc thật sự muốn gì ở Biển Đông?

Huyền thoại lịch sử, chiến lược quốc phòng và lợi ích kinh tế, tất cả đều có vai trò

Nikkei Asian Review 29 tháng 3 năm 2017
Bill Hayton

(Bản dịch đã đăng trên anhbasam ngày 31/03/2017)

Câu hỏi Trung Quốc thực sự muốn gì ở biển Đông ít được nghiên cứu một cách đáng ngạc nhiên ở phương Tây. Có quá nhiều nhà phân tích quốc tế dường như bằng lòng khi đưa ra các giả định về động cơ chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc mà không đối chiếu các tuyên bố hay tài liệu của Trung Quốc.

Mối quan tâm của các chiến lược gia Mĩ, đặc biệt về tự do đi lại, an toàn của các đồng minh và duy trì một trật tự dựa trên luật pháp chi phối hầu hết các bài viết/sách vở tiếng Anh về tranh chấp. Họ rất thường chiếu cùng những động lực đó lên “thứ khác” và diễn giải các hành động của Trung Quốc trên cơ sở đó

Một số tài liệu chính thức của Trung Quốc có thể đọc được, vẽ ra một hình ảnh khác biệt. Sách trắng của Trung Quốc về chiến lược quân sự công bố tháng 5 năm 2015 xác định các mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc là “chủ nghĩa bá quyền, chính trị quyền lực và chủ nghĩa can thiệp mới”, và nêu rằng ưu tiên hàng đầu của quân đội là “bảo vệ sự thống nhất quốc gia [của Trung Quốc], toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của sự phát triển.”

Trong khi các nhà phân tích Mĩ tập trung vào quyền truy cập biển Đông như là một phần của “khu vực dùng chung của toàn cầu”, Trung Quốc tập trung vào việc bảo vệ biển Đông như là một phần của lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Nghiên cứu của tôi dấy lên mối nghi ngờ nghiêm trọng về các kể lể lịch sử này nhưng các nhà phân tích phương Tây cần nghiêm túc nhiều hơn nữa nếu họ muốn hiểu những gì đang thúc đẩy các tranh chấp ở đó.

Mặc dù tiến trình chính trị mờ đục của Trung Quốc gây khó khăn cho việc đánh giá cách lãnh đạo của quốc gia “thật sự” coi biển Đông như thế nào, các văn bản và các tuyên bố chính thức chắc chắn cung cấp một số hiểu biết sâu sắc. Như Ryan Martinson của trường Naval War College Mĩ nhận xét, hồi tháng 6 năm 2014 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc phải đặt ưu tiên cao nhất vào việc xây dựng “một bức tường bất khả xâm phạm đối với việc bảo vệ biên giới và đại dương.”

Michael Swaine của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế đã lưu ý rằng Tập Cận Bình đã nhiều lần tập trung vào “sự cần thiết phải duy trì vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, các quyền và lợi ích trên biển và đoàn kết dân tộc, và xử lí đúng đắn các tranh chấp lãnh thổ và hải đảo.”

Danh sách của đô đốc

Năm 2004 hồi kí của mình, Đô đốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing), được xem như là cha đẻ của hải quân Trung Quốc hiện đại, đã liệt kê 6 mục tiêu về biển trong chiến lược của ông về “phòng thủ tích cực vùng biển gần”, bao gồm việc tái thống nhất Đài Loan với đại lục; lấy lại lãnh thổ biển bị mất và có tranh chấp; bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; bảo đảm các tuyến đường liên lạc chiến lược của Trung Quốc; ngăn cản hoặc đánh bại bất kì cuộc tấn công bằng đường biển nào của nước ngoài; và xây dựng rào cản hạt nhân chiến lược đủ tầm.

Điều có vẻ có ý nghĩa nhất là ba mục tiêu đầu liên quan đến việc “lấy lại” lãnh thổ và kiểm soát tài nguyên biển quốc gia. Đây là bằng chứng cho sự ám ảnh lâu dài của lãnh đạo Trung Quốc với việc làm chấm dứt mối “quốc sỉ” của đất nước.

Mặc dù vậy, phân tích quốc tế về các hành động của Trung Quốc tại biển Đông đã chú trọng quá nhiều vào ba mục tiêu sau - các chủ đề cổ điển của các nghiên cứu hải quân truyền thống và quan hệ quốc tế - nhưng không đúng mức cho ba mục tiêu đầu. Những phân tích như vậy không hiểu được những động cơ chính thúc đẩy chính sách của Trung Quốc.

Hành động của Trung Quốc được dựa vào cảm nhận về quyền nước này được làm chủ (sense of national entitlement) đối với các đảo, các rạn san hô và vùng biển của biển Đông dựa trên các tài liệu lịch sử khu vực theo chủ nghĩa dân tộc. Cảm nhận về quyền được làm chủ này có thể dẫn Trung Quốc tới việc thực hiện các động thái quyết đoán hơn trong khu vực trong những năm tới - việc sáp nhập mỗi lần một ít các khu vực chiến lược và có nhiều tài nguyên-- sẽ dẫn tới đối đầu nhiều nữa.

Những cân nhắc chiến lược rõ ràng là rất quan trọng đối với Trung Quốc. Đối với một nước phụ thuộc vào thương mại, việc tiếp cận đại dương mở thông qua biển Đông là vấn đề có tính sống còn của quốc gia. Nhìn qua ống kính này, có thể dễ dàng lập luận rằng việc xây dựng đảo của Trung Quốc là một phản ứng phòng thủ trước một chiến lược chiến tranh có thể có trong tương lai của quân đội Mĩ ngăn chận con đường thương mại trên biển.

Trung Quốc đã là nước chuyên nhập khẩu lương thực thực phẩm từ năm 2007, và năm 2013 Trung Quốc đã vượt Mĩ để trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Ngoại thương chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, tuy nhiên nước này không có đường ra biển không bị cản trở.

Một yếu tố thứ hai cho chương trình “phòng vệ” này là tăng cường chiến lược “chống truy cập / từ chối khu vực” đối với các nỗ lực của Hoa Kì trong việc hậu thuẫn Đài Loan trong trường hợp có xung đột. Các căn cứ trên đảo mới của Trung Quốc gia tăng lớn lao việc giám sát qua các hệ thống cảnh báo sớm của Trung Quốc, tạo điều kiện dễ dàng theo dõi các mục tiêu tiềm năng hơn và cung cấp những khu trú ẩn phân tán cho tàu chiến và máy bay.

Yếu tố thứ ba là Trung Quốc dự kiến sẽ sử dụng các vùng nước sâu của biển Đông làm căn cứ cho tàu ngầm tên lửa đạn đạomới lớp Jin [Tấn]. Sẽ rất dễ dàng để Trung Quốc xây dựng “pháo đài” cho những tàu ngầm này nếu họ có thể kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Việc lắp đặt “các trại trên không” lớn và tháp radar trên các đảo nhân tạo mới mà Trung Quốc đang xây dựng cho thấy chúng sẽ được sử dụng làm cơ sở cho các hoạt động giám sát trên không, trên biển và dưới mặt biển nhằm tăng cường khả năng bảo vệ tích hợp cho tàu ngầm bên trong pháo đài. Việc xây dựng đảo của Trung Quốc cũng phản ánh mục tiêu ngăn chặn không cho các bên yêu sách Đông Nam Á làm bất kì hành động nào có thể ngăn chặn Trung Quốc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó.

Người ta đã lập luận rằng hành động của Trung Quốc ở biển Đông là kết quả của một chiến lược lớn được cấp cao nhất của chính hệ thống chính trị sau khi Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo của Trung Quốc vào năm 2012 cho phép. Nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy một số quan chức Trung Quốc ủng hộ một chính sách quyết đoán hơn ngay trước khi Tập Cận Bình nắm quyền.

Điều này dường như phản ánh sự cạnh tranh giữa nhiều bên, trong đó có lực lượng vũ trang trên biển, các ngành công nghiệp đánh bắt cá và các công ty năng lượng nhà nước, vốn được hưởng lợi từ một chính sách biển Đông quyết đoán. Mặc dù những nhóm vận động này đôi lúc đấu đá lẫn nhau, nhưng sức mạnh của các nhóm lợi ích đó rất to lớn khi họ bắt tay với nhau. Một điều mà tất cả bọn họ có thể đều đồng ý là dù vì lí do dân tộc, an ninh, lợi nhuận hay việc làm, Trung Quốc phải tiếp cận được không gian và các nguồn lực của biển Đông.

Quyền “lịch sử”

Bên dưới các động cơ “phòng thủ” và quan liêu là một phiên bản lịch sử đặc biệt, sô vanh nước lớn. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy ngược lại, quan điểm chính thức của Trung Quốc là chỉ có các tàu thuyền Trung Quốc từng sử dụng biển Đông xưa nay và do đó Trung Quốc có “quyền lịch sử” đối với các vùng biển bên trong đường chữ U. Hồi tháng 7 năm 2016 Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague kết luận rằng không có cơ sở chính đáng để Trung Quốc khẳng định “quyền lịch sử”, tuy nhiên, lập luận này tiếp tục là nền tảng cho cuộc xung đột đang diễn ra giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á láng giềng.

Nghiên cứu gợi ra mạnh mẽ rằng yêu sách của Trung Quốc đối với  biển Đông đã được phát triển trong nửa đầu thế kỷ 20 như là một phản ứng chính trị trong nước để chống lại chủ nghĩa đế quốc Nhật và châu Âu. Nó xuất hiện trong các giai đoạn trong thời kì khủng hoảng năm 1909, 1933 và Thế chiến II. Sự phát triển của yêu sách đó, một phần, là một hành động kháng cự có tính biếu tượng chính khía cạnh này trong lịch sử của họ vẫn làm cho nó thành một vấn đề đầy cảm xúc hiện nay.

Mĩ và các chính phủ khác, đã khôn ngoan giữ trung lập về vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ nên bỏ qua nó. Nếu các nhà phân tích bỏ bớt các yếu tố lãnh thổ và chỉ tập trung vào các câu hỏi về chiến lược lớn thì họ sẽ đi tới việc trả lời câu hỏi sai, làm vấn đề biển Đông càng tệ hại hơn. Kết quả cuối cùng, như khu vực đã nhiều lần nhìn thấy, là tranh chấp. Tranh chấp này không thể giải quyết được bằng các biện pháp xây dựng lòng tin hoặc việc phô trương lực lượng hải quân. Nguyên nhân gốc rễ của cảm nhận về quyền được làm chủ của Trung Quốc cần phải được giải quyết.

Chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông phản ánh một cảm xúc bất bình mà những đấu thủ khác trong các tranh chấp thường không đánh giá cao. Trung Quốc tin rằng họ đang chỉnh lại cho đúng những sai trái gây ra cho họ trong những thập kỷ trước. Theo quan điểm của Bắc Kinh, những bước lấn tới của họ ở biển Đông là biện minh được bởi vì họ đang đòi lại lãnh thổ “bị mất”.

Hoang tưởng lịch sử

Bắc Kinh tin rằng bất kì hành động của một cường quốc nước ngoài cố cản trở việc thống nhất lãnh thổ quốc gia - dù đó là một cuộc tuần tra hải quân hay một toà trọng tài quốc tế - phải bị chống lại, bởi vì đó chỉ đơn giản là một màn diễn khác trong một lịch sử lâu dài về mưu toan của nước ngoài chia cắt tổ quốc Trung Quốc.

Mặc dù những kể lể lịch sử chính thức của Trung Quốc rõ ràng là có nhiều vấn đề, điều quan trọng là phải nhận ra rằng ý thức về sự chính đáng mà nó tạo ra cho việc hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột hơn nữa. Nếu các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kì và những nơi khác không nhận ra được sức mạnh thúc đẩy của những kể lể lịch sử và tính mệnh lệnh về lãnh thổ của Trung Quốc thì họ sẽ không hiểu được các mục tiêu của Trung Quốc.

Cả ngoại giao lẫn đối đầu đều sẽ không làm giảm động lực thúc đẩy phía sau các hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Mặc dù việc sử dụng vũ lực có thể cản trở những bước lấn tới của Trung Quốc, nó cũng sẽ làm tăng cảm giác thất vọng và kích động những đòi hỏi bên trong Trung Quốc về một phản ứng quyết đoán hơn. Các tranh chấp chỉ có thể được giải quyết thật sự qua việc làm suy yếu ý thức chính đáng của Trung Quốc - và điều đó đòi hỏi phải vạch trần việc sử dụng gian lận các bằng chứng lịch sử và thách thức phiên bản lịch sử sai lệch của họ.

Lí do chiến lược của việc Trung Quốc duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ ở biển Đông - bảo vệ bờ biển, các tuyến đường biển và ngăn chặn hạt nhân - sẽ còn bền vững. Nhưng các lập luận của họ cho việc kiểm soát độc quyền các nguồn tài nguyên biển và quyền điều chỉnh giao thông thì lại dựa trên các kể lể lịch sử lệch lạc và có thể bị thách thức.

Vì đây là hai vấn đề có nhiều khả năng gây xung đột, thách thức chúng là đáng giá hơn. Hoàn toàn có thể giữ trung lập về mặt chính trị đối với vấn đề lãnh thổ, trong khi vẫn khẳng định rằng các yêu sách của Trung Quốc thiếu những bằng chứng có thể kiểm chứng được. Tất cả các nước có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển Đông cần phải xem xét lịch sử một cách nghiêm túc hơn và khẳng định rằng những yêu sách thiếu hậu thuẫn không phải là cơ sở để đối thoại và giải quyết xung đột.

Đối với khu vực châu Á và trên thế giới, sự tham gia không thể thiếu của các chuyên gia về Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách về cơ sở của các kể lể của họ về biển Đông là bước thiết yếu đầu tiên. Các nhà đối thoại với các quan chức Trung Quốc phải tự vũ trang mình các bằng chứng đó để thách thức các kể lể lịch sử không có thật và sẵn sàng sử dụng chúng trong các cuộc thảo luận. Trong 20 năm qua, tất cả các bằng chứng này đã trở nên tìm thấy dễ dàng. Đã đến lúc sử dụng chúng.

Bill Hayton là một nhà nghiên cứu tại Chatham House và là tác giả của cuốn sách The South China Sea: The Struggle for Power in Asia” (Biển Đông: Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á) Bài báo này dựa trên một bài giảng sẽ trình bày tại Đại học Tokyo ngày 6 tháng 4.