Hoàng hôn nền cai trị của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc
(The Twilight of Communist Party Rule in China)
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei)
The American Interest (Tháng 3-4/2016)
(Bản dịch này có một vài điều chỉnh nhỏ so với bản dịch trên anhbasam ngày 25/2/16 - có thể xem bản song ngữ ở đây)
Chiến lược sinh tồn của Đảng Cộng sản
hậu Thiên An Môn đã cạn kiệt, còn chiến lược mới của họ lại có khả năng đẩy sự sụp đổ của đảng nhanh hơn.
Không có chế độ chuyên chế nào thành công bằng Đảng Cộng sản
Trung Quốc (ĐCSTQ) trong thời kì hậu Chiến tranh lạnh. Năm 1989, chế độ đã gần
chạm cửa tử khi hàng triệu người biểu tình ở các thành phố lớn trên cả nước,
đòi hỏi dân chủ và trút nỗi phẩn nộ của họ lên tham nhũng. Đảng đã được cứu sống
chỉ với sự giúp sức của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dùng xe
tăng để nghiền những người biểu tình ôn hòa quanh Thiên An Môn và tại Bắc
Kinh vào 4 tháng 6. Tuy nhiên, trong một phần tư thế kỉ sau vụ thảm sát Thiên
An Môn, ĐCSTQ đã nhiều lần bất tuân dự đoán về sự sụp đổ sắp xảy ra của nó của
những kẻ ác mồm. Không những vẫn sống sót sau cú sốc sụp đổ của Liên Xô mà
ĐCSTQ còn vượt qua đuợc cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997-98 và
cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Kể từ vụ Thiên An Môn, nền kinh
tế Trung Quốc đã tăng gấp khoảng 10 lần giá trị thực. Mức thu nhập bình quân đầu
người đã tăng từ $ 980 đến $ 13 216 về sức mua tương đương (PPP) trong cùng thời
kì, đưa đất nước vào hàng ngũ các nước thu nhập trung bình cao.
Dễ hiểu là thành tích đó đã khiến nhiều nhà quan sát, trong đó
có các nhà quan sát Trung Quốc dày dạn, tin rằng ĐCSTQ đã trở thành một chế độ
độc tài bền vững với nhiều sức mạnh bên trong mà hầu hết các chế độ chuyên
quyền khác không có. Ngoài những thứ khác, ĐCSTQ được cho là đã phát triển một
quy trình chuyển giao lãnh đạo hiệu quả dựa trên các quy tắc và chuẩn mực đã
thành nếp, một hệ thống lựa chọn các quan chức có khả năng dựa trên tài năng,
và khả năng đáp ứng nhu cầu quần chúng. Thay vì là một chế độ cứng nhắc như Đảng
Cộng sản Liên Xô thời Leonid Brezhnev, ĐCSTQ thể hiện khả năng đáng lưu ý về học
tập và thích ứng.[1]
Thật không may cho những người ủng hộ lí thuyết về “khả năng
bền vững (resilience) của độc tài”, các giả định, bằng chứng, và kết luận của
họ đã trở nên khó bảo vệ hơn dưới ánh sáng của những diễn tiến gần đây ở Trung
Quốc. Các dấu hiệu về tranh giành quyền lực của giới chủ chốt (elite), nạn tham
nhũng, mất động lực kinh tế, và chính sách đối ngoại quyết đoán, nguy cơ cao đều
hiển hiện. Kết quả là, ngay cả một số học giả mà nghiên cứu của họ có liên quan
đến thuyết về khả năng bền vững của độc tài đã bị buộc phải xem xét lại.[2]
Ngày càng rõ ràng rằng những diễn biến gần đây làm thay đổi nhận thức về độ bền
vững của ĐCSTQ là không theo chu kì mà theo cấu trúc. Chúng là triệu chứng
về sự cạn kiệt chiến lược sinh tồn (survival strategy) của chế độ sau vụ Thiên
An Môn. Một số trụ cột quan trọng của chiến lược này (như sự thống nhất của giới
chủ chốt, tính chính đáng dựa trên thành tựu [performance], sự lựa chọn của
giới chủ chốt trong xã hội, và sự kiềm chế chiến lược trong chính sách đối
ngoại) đã gãy đổ hoặc trở thành rỗng ruột, buộc ĐCSTQ phải càng viện đến đàn
áp và hô hào lòng yêu nước để bám lấy quyền lực.
Do đó, giới chủ chốt cầm quyền Trung Quốc hiện phải đối mặt với
sự lựa chọn khắc nghiệt kể từ vụ Thiên An Môn: Mô hình phát triển chủ nghĩa tư
bản bè cánh độc đoán hậu-1989 đã chết, và họ có thể hoặc là đua tranh với Đài
Loan hay Hàn Quốc để dân chủ hóa và thu đạt được nguồn tính chính đáng lâu bền
này, hoặc là sẵn sàng áp dụng biện pháp đàn áp ngày càng tăng thêm để duy
trì sự cai trị độc đảng. Cách họ chọn sẽ ảnh hưởng đến không chỉ Trung Quốc và
Châu Á mà cả thế giới.
Mặc dù các hình ảnh phổ biến về “quyền lực nhân dân” hay các cuộc
cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập”, nguồn quan trọng nhất duy nhất của sự thay đổi thể
chế độ ở các chế độ độc tài là việc đổ vở sự thống nhất của giới chủ chốt cầm
quyền. Diễn biến này chủ yếu gây ra bởi sự tăng mạnh các xung đột giữa giới
chủ chốt cầm quyền đối với chiến lược giữ chế độ sinh tồn, việc phân chia quyền
lực và đỡ đầu (hay ô dù [patronage]). Kinh nghiệm từ các cuộc chuyển đổi dân chủ kể từ giữa
những năm 1970 cho thấy rằng, khi chế độ chuyên quyền đối đầu với những thách
thức từ các lực lượng xã hội đòi hỏi thay đổi chính trị, vấn đề gây chia rẽ nhất
trong giới chủ chốt cầm quyền là liệu có nên đàn áp các lực lượng đó thông qua
leo thang bạo lực hay là thích ứng với các lực luợng đó thông qua tự do
hoá. Nếu những người cải cách chiếm ưu thế thì những bước đầu tiên tiến tới quá
trình chuyển đổi chế độ, tiêu biểu qua việc nới lỏng kiểm soát chính trị và xã
hội, sẽ tiếp theo sau. Nếu phe bảo thủ thắng cuộc thì đàn áp mạnh bạo hơn
(nhưng xung đột xã hội và chính trị cũng leo thang) sẽ kéo theo, ít nhất là
cho đến khi chế độ đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác buộc nó phải quay lại
câu hỏi liệu tiến trình đàn áp có là chiến lược tốt nhất không.[3]
Một nguồn quen thuộc gây mất đoàn kết trong giới chủ chốt là xung đột về phân
chia quyền lực và do đó phạm vi của các đường dây đỡ đầu. Trong chế độ chuyên
quyền xác lập vững hơn, chẳng hạn các nhà nước độc đảng Lenin hậu toàn trị,
xung đột này có xu hướng phát sinh khi cạnh tranh quyền lực dẫn đến việc vi phạm
các quy tắc và chuẩn mực đã xác lập từ lâu vốn bảo vệ sự cân bằng quyền lực
mong manh trong giới chủ chốt cầm quyền và tình trạng an toàn thực tế của họ.
Trong nhiều trường hợp nếu không phải là hầu hết (và Trung Quốc không là ngoại
lệ) những vi phạm đó nhân danh cho các nhóm gia đình, và do đó biểu thị cho
việc tái phân chia hệ thống đỡ đầu trong chính trị.[4]
Trong trường hợp Trung Quốc, việc đổ vở sự thống nhất trong giới
chủ chốt không xoay trên cuộc tranh luận giữa phe bảo thủ và cải cách mà trên
cuộc đấu tranh giành ưu thế trong chính phe bảo thủ. Các dấu hiệu ban đầu của
sự chia rẽ trong giới chủ chốt chóp bu là việc thanh trừng Bạc Hi Lai, cựu bí
thư đầy tham vọng của Trùng Khánh, ngay trước thềm Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 vào
năm 2012. Nhiều sự kiện sau đó cho thấy rằng việc rơi rụng của Bạc Hi Lai mới
chỉ là khúc dạo đầu cho một cuộc ‘tổng vệ sinh’ nội bộ mà đảng chứng kiến
tính từ cuộc Cách mạng Văn hóa. Sau khi Tập Cận Bình, người chiến thắng trong
cuộc đấu, chính thức đảm nhận vị trí tổng bí thư ĐCSTQ và tổng tư lệnh quân đội
vào tháng 11 năm 2012, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng dữ dội nhất
trong thời gian gần đây để đạt được uy thế chính trị qua việc tiêu diệt các đối
thủ của mình. Mặc dù chiến dịch của Tập Cận Bình có vẻ được ưa chuộng, nó gần
như chỉ qua một đêm tháo dỡ hết hệ thống mà tầng lớp chủ chốt cầm quyền đã dầy
công xây dựng để duy trì sự đoàn kết của họ trong thời kì hậu Thiên An Môn.
Có ba trụ cột chống đỡ hệ thống này. Trụ cột đầu tiên là sự
cân bằng quyền lực chính trị mong manh ở chóp bu, thường được biết như là sự
lãnh đạo tập thể, được thiết kế để ngăn chặn sự xuất hiện của một lãnh đạo kiểu
Mao, kẻ có thể áp đặt ý chí của mình lên đảng. Theo hệ thống này, các quyết định
chính sách quan trọng được thực hiện thông qua một quá trình xây dựng đồng thuận
và thỏa hiệp, bảo đảm bảo vệ các lợi ích của các lãnh đạo cấp cao và phe phái của
họ. Trụ cột thứ hai là an toàn cá nhân tuyệt đối cho các lãnh đạo chóp bu. Một
trong những bài học quan trọng từ sự thất bại của thời đại Mao là sự thống nhất
của giới chủ chốt là không thể có được nếu không có sự bảo đảm này, bởi vì chỉ
có những người cai trị không chạm tới đuợc mới có năng lực và uy tín để đàm
phán với nhau, ngã giá, và giải quyết các xung đột trong nội bộ chế độ. Trụ cột
thứ ba là một hệ thống chia sẻ những lợi lộc của sự phát triển kinh tế trong
giới chủ chốt, chủ yếu là thông qua mạng lưới đỡ đầu to lớn và phức tạp. Chắc
chắn, hệ thống này đã tạo ra tham nhũng tràn lan, nhưng nó cũng đã cung cấp
những khuyến khích để giớI chủ chốt làm việc hết mình vì chế độ.
Hiện nay, chưa tròn ba năm sau khi Tập Cận Bình buớc lên
vị trí tột đỉnh, hệ thống này đã bị băm nhỏ ra. Tương đương với một thế giới
“đa cực”, ở chóp bu của chế độ ĐCSTQ hiện nay là một hệ thống “đơn cực”; “lãnh
đạo tập thể” đã nhường bước cho quyền cai trị của người hùng (strongman) và một
quá trình ra quyết định do Tập Cận Bình chi phối. An toàn cá nhân tuyệt đối cho
các nhà lãnh đạo chóp bu, được xác định là các uỷ viên Ban Thường vụ Bộ Chính
trị đương nhiệm hoặc nghỉ hưu, cũng đã bị phá vỡ với sự rơi rụng của Chu Vĩnh
Khang, một cựu uỷ viên Ban Thường vụ và bộ truởng Công An vốn đã bị lôi vào một
bản án tù chung thân vào năm 2015 sau khi ông kết tội tham nhũng. Động lực chống
tham nhũng và các biện pháp thắt lưng buộc bụng đi kèm cũng đã đặt dấu chất
hết (ít nhất là tạm thời) tập tục chia sẻ lợi lộc trong giới chủ chốt, gây
ở họ nỗi cay đắng và thúc đẩy họ (theo như tuờng thuật) dấn vào việc
đình công để phản đối. Trong khi không chắc cuộc chiến chống tham nhũng của
Tập Cận Bình sẽ thật sự sẽ nhổ tận gốc nạn tham nhũng hay không, nó đã
thành công trong việc phá hủy cấu trúc khuyến khích hậu Thiên An Môn bên
trong chế độ.
Trên chính nó, sự chuyển đổi từ “lãnh đạo tập thể” sang “quyền
cai trị của người hùng” có thể không nhất thiết phải làm gỡ bỏ chủ nghĩa Lenin của
Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả ban đầu rõ ràng của sự chuyển đổi này cho đến
nay là việc bốc hơi sự thống nhất trong giới chủ chốt, chất keo kết dính hệ
thống hậu Thiên An Môn lại với nhau. Mặc dù hiện tại không có dấu hiệu công
khai thách thức quyền lực của Tập Cận Bình trong ĐCSTQ, sẽ là một cá cược an
toàn rằng các đối thủ của ông đang đợi thời cơ, chờ thời điểm thích hợp để phản
công.
Nếu sự mất đoàn kết trong giới chủ chốt bị thoái hóa thành một
cuộc thách thức chính trị và kéo theo việc loại bỏ hệ thống mà Tập Cận Bình
đang cố xây dựng, chỉ có hai kết quả có thể có. Một là đưa về trở lại hệ thống
rệu rã hậu Thiên An Môn. Trên bề mặt, điều này có vẻ là giải pháp hấp dẫn và
hứa hẹn nhất, nhưng nó sẽ không được việc: Một số trong các điều kiện cơ bản
quan trọng vốn chống đỡ hệ thống hậu Thiên An Môn, đặc biệt là sự tăng trưởng
nhờ đầu tư và sự phục tùng chính trị của tầng lớp trung lưu được bảo đảm bằng
triển vọng thịnh vượng ngày càng tăng, phần lớn đã biến mất. Nếu hiện trạng như
trước không thể phục hồi, ĐCSTQ sẽ cần một cách khác để thoát ra. Trong khi
không ai biết đảng sẽ lựa chọn điều gì, rất đáng để nhớ lại rằng, tới thời điểm
đó, đảng đã cố thử và vắt cạn ba mô hình quản trị độc đoán: chủ nghĩa Mao (cộng
sản cực đoan), chủ nghĩa Đặng (tư bản bè cánh), và mô hình Tập Cận Bình (quyền
cai trị của người hùng). Trớ trêu là ĐCSTQ có thể lại thấy chính mình nằm
trong cùng tuyệt lộ như Đảng Cộng sản Liên Xô vào giữa những năm 1980: thiếu
các ý tưởng và chiến lược để duy trì sự cai trị độc đảng vĩnh viễn, nó có thể
tuyệt vọng tới mức dám chơi trò may rủi với bất cứ điều gì, kể cả cải cách dân
chủ và đa nguyên chính trị, như một chiến lược dài hạn để làm cho đảng thành một
lực lượng có thể tồn tại trong một Trung Quốc hoàn toàn biến đổi bởi hiện đại
hóa kinh tế xã hội.
Nếu sự thống nhất trong giới chủ chốt là chất keo của hệ thống
hậu Thiên An Môn, thành tựu kinh tế, như thường được thừa nhận, là nguồn quan
trọng nhất của tính chính đáng phổ biến cho đảng cầm quyền. Một phần tư thế kỉ tăng
trưởng cao đã mua một thời gian dài ổn định xã hội tương đối cho ĐCSTQ và cung
cấp nó nhiều nguồn lực rất lớn để tăng cường khả năng đàn áp và mua chuộc giới
chủ chốt mới trong xã hội và phát triển tầng lớp trung lưu thành thị. Tuy
nhiên, vì bây giờ “phép lạ kinh tế Trung Quốc” đang kết thúc, trụ cột thứ hai của
hệ thống hậu Thiên An Môn cũng sắp gãy đổ theo.
Bề ngoài, suy thoái kinh tế mạnh bạo hiện nay của Trung Quốc có
vẻ giống như sự giảm tốc tự nhiên sau nhiều thập kỉ tăng trưởng nóng bỏng. Nhưng
một cái nhìn sâu hơn về các nguyên nhân của “sự sụp đổ lớn của Trung Quốc” gợi
ra rằng có những trở ngại về cấu trúc và thể chế, chứ không phải những trở ngại
mang tính chu kì, nằm ngay trong hoạt động và rằng việc Trung Quốc đang bước
vào một giai đoạn tăng trưởng kinh tế từ thấp đến vừa có thể gây nguy hại tính
chính đáng của ĐCSTQ. Những bản tin tường thuật về những rắc rối kinh tế gần
đây của Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào các triệu chứng dễ thấy và kịch tính của
tình trạng bất ổn kinh tế của Trung Quốc, chẳng hạn như sự sụp đổ của bong bóng
thị trường chứng khoán và sự mất giá tiền tệ bất ngờ. Tuy nhiên, sự giảm tốc
trong tăng trưởng của Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều.
Về mặt cấu trúc, sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc
trong thời kì hậu Thiên An Môn đã được thúc đẩy chủ yếu bởi các yếu tố thuận lợi
hoặc sự kiện chỉ có một lần, chứ không phải bởi tính ưu việt có chủ đích của một
nhà nước độc tài. Trong số những yếu tố hay sự kiện đó, quan trọng nhất là “phần
lợi về dân số” (demographic dividend), yếu tố này cho ra một nguồn cung cấp dường
như vô tận lao động trẻ khoẻ giá rẻ cho công nghiệp hóa của Trung Quốc. Ngoài mức
lương thấp, người nhập cư trẻ từ các vùng nông thôn đến các trung tâm đô thị có
thể có được một sự gia tăng lớn ngay lập tức về năng suất lao động chỉ đơn giản
là do đã được kết hợp với nguồn vốn hoạt động mà không cần phải chuẩn bị giáo dục
thêm nhiều. Do đó, chỉ riêng việc bố trí lại lực lượng lao động dư thừa vùng
nông thôn của đất nước cho các nhà máy, cửa hàng, và các công trình xây dựng tại
các thành phố có thể làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn. Theo số liệu của Trung
Quốc, năng suất một công nhân đô thị cao gấp bốn lần một nông dân vùng quê.
Trong ba thập kỉ qua, khoảng 270 triệu lao động nông thôn (không tính gia đình
của họ) đã chuyển đến các thành phố và hiện chiếm 70 % lực lượng lao động đô thị.
Một số nhà kinh tế ước tính rằng khoảng 20 % tăng trưởng GDP của Trung Quốc
trong thập niên 1980 và 1990 là từ việc dời chỗ lao động nông thôn-thành thị.[5]
Nhưng vì dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng và việc di dân ồ ạt từ nông
thôn ra thành thị đã đạt tới đỉnh, yếu tố thuận lợi cấu trúc chỉ có một lần này
không thể nhân rộng được.
Một cú sốc tích cực một lần góp phần vào tăng trưởng của Trung
Quốc từ vụ Thiên An Môn là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm
2001. Trong những năm 1990 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Trung Quốc
là 15,4 % mỗi năm, nhờ việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng sau khi
gia nhập WTO, Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm trong xuất khẩu
21,7 % trong giai đoạn 2002-08. Tăng trưởng nhờ xuất khẩu bắt đầu chậm lại sau
năm 2011. Từ năm 2012 đến năm 2014, tăng trưởng xuất khẩu trung bình là 7,1 %,
chỉ bằng 1/3 tăng trưởng trong thập kỉ trước. Trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất
khẩu co lại khoảng 1 %, diễn biến này có thể đã thúc đẩy Bắc Kinh phá giá đồng
nhân dân tệ.
Có lẽ khía cạnh rắc rối nhất của triển vọng kinh tế dài hạn của
Trung Quốc là khoản lời (return) từ chiến lược tăng trưởng nhờ đầu tư đang
giảm dần. Là một quốc gia đang phát triển với trữ luợng vốn tương đối thấp,
Trung Quốc ban đầu được hưởng lợi lớn từ sự gia tăng bền vững trong tỉ lệ đầu
tư của mình. Trong thập niên 1980, Trung Quốc cấy trung bình 35,8 % GDP vào nhà
máy, cơ sở hạ tầng và nhà ở. tỉ lệ này về trung bình tăng 42,8 % trong thập
niên 2000 và đã đạt mức 47,3 % kể từ năm 2010. Gia tăng lớn như vậy trong đầu
tư, chiếm hơn một nửa tăng trưởng GDP của Trung Quốc, là động cơ chính của việc
mở rộng kinh tế trong 15 năm qua.
Tuy nhiên, tăng trưởng nhờ đầu tư trong bối cảnh Trung Quốc đã
có ba hậu quả tiêu cực. Một là khoản lời giảm dần trong đầu tư, bởi vì mỗi một
gia tăng nhỏ trong sản lượng đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn, được đo bằng tỉ số
sản lượng vốn [capital output ratio] (số tiền đầu tư cần để tạo ra thêm một
nhân dân tệ GDP). Trong thập niên 1990, ti số sản lượng vốn của Trung Quốc là
3,79. Trong thập niên 2000, nó đã tăng đến 4,38. Xu hướng này (tăng trưởng đòi
hỏi đầu tư ngày càng tăng) chỉ đơn giản là không bền vững. Trung Quốc đang đầu
tư gần một nửa GDP của nước này, một con số lạ thường có được nhờ nhà nước kiểm
soát việc phát triển cơ sở hạ tầng. Tầm mức dư thừa và phân bổ sai vốn cũng đều
lạ thường.
Một tác hại khác gây ra cho nền kinh tế là việc đầu tư đó bóp
nghẹt mức tiêu thụ của hộ gia đình (36 % GDP trong năm 2013, so với 60 % ở Ấn
Độ), gây ra sự mất cân bằng cấu trúc lớn lao và làm cho tăng trưởng bền vững
thành bất khả. Sự tăng trưởng bền vững đó phải xuất phát từ việc tách ra khỏi
các phương thức dựa trên xuất khẩu để chuyển sang sự tăng trưởng thị trường
trong nước, nhưng nó không thể cắm rễ đuợc với mức tiêu thụ hộ gia đình thấp
giả tạo như thế.
Cái giá cuối cùng phải trả của tăng trưởng nhờ đầu tư của
Trung Quốc là phần lớn điều đó là do tín dụng cấp vốn và đuợc cấy vào những
ngành công nghiệp đã bị nạn dịch dư thừa công suất. Với tỉ lệ nợ trên GDP vượt
quá 280 % GDP hiện nay (so với 121 % vào năm 2000), rủi ro của một cuộc khủng
hoảng tài chính toàn diện tăng lên vì những con nợ lớn nhất ( chính quyền địa
phương, doanh nghiệp nhà nước, và nhà phát triển bất động sản) lại có khả năng
trả nợ kém do cơ sở thuế nhỏ hẹp (chính quyền địa phương), dư thừa năng suất và
khả năng sinh lợi thấp (doanh nghiệp nhà nước), và bong bóng bất động sản xì
hơi (nhà phát triển bất động sản).
Nếu khủng hoảng kinh tế dài hạn của Trung Quốc chỉ thuần là cấu
trúc, triển vọng của đất nước này không nhất thiết là thảm khốc. Các cải cách
hiệu quả có thể tái phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn để làm cho nền kinh tế hiệu
quả hơn. Nhưng sự thành công của những cải cách này cốt yếu lại xoay quanh bản
chất của nhà nước Trung Quốc và các tổ chức chính trị của nó. Việc tạo ra sự
giàu có bền vững chỉ có thể diễn ra tại các quốc gia mà ở đó quyền lực
chính trị bị nền pháp trị (rule of law) kiềm chế, quyền sở hữu tư nhân được bảo
vệ một cách hiệu quả, và có nhiều cách vuơn tới các cơ hội. Ở các nuớc bị
một nhóm chủ chốt nhỏ thống trị, điều ngược lại sẽ xảy ra: Những kẻ nắm quyền
lực chính trị trở thành những kẻ trấn lột (predators), sử dụng các công cụ
cưỡng chế của nhà nước để vơ vét của cải của xã hội, bảo vệ đặc quyền của họ,
và làm dân thường nghèo đi.[6]
Chắc chắn, các chính sách kinh tế của ĐCSTQ đã thay đổi không
còn nhận ra kể từ cuối thời đại Mao. Tuy nhiên, nhà nước độc đảng Trung Quốc
vẫn chưa tỏ rõ bản năng trấn lột và các tổ chức của nó. Mặc dù trên lời nói
thì hô hào tôn trọng các quyền thị trường và tài sản, chính sách và hành động
thực tế của giới cầm quyền cho thấy rằng họ không tôn trọng quyền sở hữu tư
nhân và cũng không muốn bảo vệ các quyền này. Các bằng chứng hùng hồn nhất về sự
thiếu vắng sự sẵn sàng của họ trong việc hạn chế khả năng và nỗi thèm khát trấn
lột của nhà nước độc đảng là sự thù địch không dấu giếm của các lãnh đạo chóp
bu đối với ý tưởng về chủ nghĩa hợp hiến mà bản chất của nó là các giới hạn
thực thi được đối với quyền lực của nhà nước và các nhà cai trị. Việc ĐCSTQ
không chấp nhận bất cứ giới hạn có ý nghĩa nào đối với quyền lực của họ,
trong ý nghĩa thực tế, hàm ý rằng Trung Quốc không thể có các cơ quan tư pháp
thật sự độc lập hoặc cơ quan quản lí có khả năng thực thi pháp luật và các quy
định. Vì nền kinh tế thị trường đích thực không thể hoạt động mà không có
các tổ chức hoặc cơ quan như vậy, rõ ràng là chừng nào mà đảng còn đặt mình
trên luật pháp thì các cải cách kinh tế theo thị trường thật sự là không thể
có.
Nhiều nhà quan sát cho rằng dù vậy chế độ độc đảng vẫn có khả
năng thực hiện các cải cách theo thị trường, và nêu lịch sử thời hậu Mao của Trung
Quốc như là bằng chứng. Lập luận như vậy đã bỏ qua thực tế cốt lõi là các cải
cách kinh tế thời hậu Mao, dù ấn tượng trên bề mặt, phần lớn đều cạn kiệt hết
tiềm năng. Hơn nữa, hệ thống chủ nghĩa Mao đã rất không hiệu quả đến mức thậm
chí các cải cách từng phần cũng có thể bật ra sự gia tăng năng suất rất lớn, đặc
biệt là trong một xã hội mà ở đó năng lượng kinh doanh của người dân đã bị đè
nén bằng khủng bố độc tài toàn trị trong ba thập kỉ. Quan trọng hơn nữa, những
cải cách kinh tế từng phần này chưa thọc sâu vào nền tảng kinh tế của sự cai
trị của ĐCSTQ: sở hữu nhà nước hầu hết các tư liệu sản xuất như đất đai, tài
nguyên thiên nhiên, phát điện, viễn thông, ngân hàng, dịch vụ tài chính, và các
ngành công nghiệp nặng. Cái đang kềm giữ nền kinh tế Trung Quốc không phải là
khu vực tư nhân năng động mà là các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả vốn vẫn
tiếp tục nhận được các khoản trợ cấp và phung phí nguồn vốn quý giá.[7]
Cải cách kinh tế đích thực và đầy đủ, nếu thật sự được chấp
nhận, sẽ đe dọa phá hủy các nền tảng như vậy. Trong mọi khả năng có thể xảy
ra, từ bỏ hầu hết sự kiểm soát đối với nền kinh tế và tài sản quốc gia to lớn của
Trung Quốc sẽ dẫn đến sự sụp đổ về tổ chức của ĐCSTQ. Đảng cấp kinh phí và trợ
giúp các cơ sở hạ tầng tổ chức rộng lớn của nó (các cấp uỷ đảng và các chi bộ
trong khắp xã hội Trung Quốc) bằng các quỹ công, số tiền chính xác là rất lớn
nhưng vẫn chưa được biết. Phần lớn kinh phí cho tổ chức và hoạt động của ĐCSTQ
được cấp qua ngân sách không rõ ràng của nhà nước Trung Quốc. Nếu ĐCSTQ từ bỏ
quyền kiểm soát kinh tế và việc chi tiêu của chính quyền được thực hiện thật
trong suốt thì đảng sẽ không còn có nguồn tài chính để tồn tại. Đảng sẽ trở
nên bất khả trong việc tài trợ các quyền lợi xa hoa và các đặc quyền trong đảng,
chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, ngân sách giải trí lớn, nhà ở
miễn phí, và các khoản phụ cấp khác vốn được cấp cho các quan chức như là phần
thưởng cho thành viên trong câu lạc bộ giới chủ chốt.
Một hậu quả thảm khốc của các cải cách hoàn chỉnh theo thị trường
sẽ là sự hủy diệt hệ thống đỡ đầu mà ĐCSTQ dựa vào để đảm bảo sự trung
thành của những người ủng hộ. Nền móng của hệ thống này là các doanh nghiệp
nhà nước (DNNN) và hệ thống quan chức kinh tế do đảng kiểm soát và các cơ quan
điều hành. Nếu cải cách thị trường dẫn đến tư nhân hóa đích thực các doanh
nghiệp này (chiếm ít nhất một phần ba GDP của Trung Quốc), ĐCSTQ sẽ không còn
có thể dùng những chỗ làm tốt và những hợp đồng béo bở để thưởng cho những
người trung thành, do đó có nguy cơ mất hoàn toàn sự ủng hộ của họ. Được biết,
trong kế hoạch cho cải cách kinh tế của ĐCSTQ công bố vào mùa thu năm 2013, ban
lãnh đạo mới nhắc lại rằng đảng sẽ không loại bỏ các DNNN.
Vì vậy, việc các tổ chức trấn lột của Trung Quốc tiếp tục
tồn tại sẽ loại đi những cải cách thị trường hoàn chỉnh, triệt để và thành
công. Tính bất khả của nhiệm vụ xây dựng một nền kinh tế thị trường đích thực
được nền pháp trị hậu thuẫn có thể được tóm tắt trong câu tục ngữ Trung Quốc,
dữ hổ mưu bì (yu hu mou pi/与虎谋皮), hay thương lượng với cọp để nó cho lột da [điều phi hiện thực -ND]. Triển vọng
dài hạn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, chìa khóa cho sự sống còn của
ĐCSTQ, không chút lạc quan. Vì thời kì tăng trưởng nhanh chóng nhờ những cải
cách từng phần và các yếu tố hay sự kiện thuận lợi chỉ có một lần đã kết thúc,
để Trung Quốc duy trì tăng trưởng đòi hỏi một cuộc cải tổ triệt để các tổ chức
kinh tế và chính trị để đạt được hiệu quả cao hơn. Nhưng vì bước đi định mệnh
này sẽ phá hủy các cơ sở kinh tế của sự cai trị của ĐCSTQ, rất khó để tưởng tượng
rằng đảng sẽ thật sự muốn tự huỷ hoại về kinh tế, và do đó tự huỷ diệt về chính
trị. Những ai thấy không thuyết phục bởi lập luận như vậy nên đếm số lượng các chế
độ độc tài trong lịch sử sẵn sàng từ bỏ đặc quyền và quyền kiểm soát kinh tế vì
sự thịnh vượng lâu dài cho đất nước.
Lầm lũi tiến tới đàn áp
và chủ nghĩa dân tộc
Nếu như tình trạng trì trệ kinh tế dài hạn xảy ra thì sự ủng hộ
của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với nguyên trạng sẽ bị xói mòn. Lựa chọn
của tầng lớp trung lưu phát triển nhanh (một trụ cột quan trọng trong chiến lược
sinh tồn hậu Thiên An Môn của ĐCSTQ) được đợt bùng nổ kinh tế trong phần tư thế
kỉ vừa qua làm cho thực hiện được. Suy thoái kinh tế lâu dài của Trung Quốc chắc
chắn sẽ làm giảm đi cơ hội, tướt bớt kì vọng và hạn chế chuyển dịch đi lên cho
các thành viên của nhóm xã hội quan trọng này mà việc họ chấp nhận sự cai trị của
ĐCSTQ phụ thuộc vào khả năng mang đến thành tựu kinh tế đạt yêu cầu và liên tục.
Với việc bốc hơi sự thống nhất trong giới chủ chốt, sự trì trệ
kinh tế đang thấp thoáng, và sự xa lánh có vẻ đang hiển hiện của tầng lớp trung
lưu, mô hình hậuThiên An Môn chỉ còn có hai trụ cột: đàn áp và chủ nghĩa dân tộc.
Các chế độ độc tài đương đại, thiếu tính chính đáng có được qua một tiến trình
chính trị cạnh tranh, chủ yếu có ba phương cách để nắm giữ quyền lực. Một là
hối lộ người dân với các lợi ích vật chất, cách thứ hai là đàn áp họ bằng bạo lực
và sợ hãi, và cách thứ ba là khêu gợi tình cảm dân tộc của họ. Trong các chế độ
chuyên quyền khôn khéo và thành công hơn, những người cai trị dựa trên tính
chính đáng nhờ vào thành tựu (hối lộ) nhiều hơn là dựa trên sự sợ hãi hay chủ
nghĩa sô vanh hiếu chiến chủ yếu là vì đàn áp phải trả giá cao còn chủ nghĩa
dân tộc thì có thể nguy hiểm. Trong thời đại hậuThiên An Môn, chắc chắn là
ĐCSTQ sử dụng cả ba công cụ này, nhưng họ lệ thuộc chủ yếu vào thành tựu kinh
tế và cũng viện đến đàn áp (có chọn lọc) cùng với chủ nghĩa dân tộc chỉ như
là một phương cách phụ trong việc cai trị.
Tuy nhiên, xu hướng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối
năm 2012 cho thấy rằng đàn áp và chủ nghĩa dân tộc đang giữ một vai trò ngày
càng nổi bật trong chiến lược sinh tồn của ĐCSTQ. Một cách giải thích hiển
nhiên là vì tăng trưởng kinh tế sút kém đang tạo ra những căng thẳng xã hội và
làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng đối với ĐCSTQ, do đó buộc chính quyền phải
ngăn chặn mầm móng thách thức xã hội bằng bạo lực và chuyển hướng sự chú ý của
công chúng bằng chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, có một cách giải thích cũng có
cùng giá trị mà nhiều nhà quan sát đã bỏ qua. Chiến lược sinh tồn phụ thuộc
vào việc mang lại tăng trưởng kinh tế để duy trì tính hợp pháp vốn tự nó không
bền vững không chỉ vì tăng trưởng kinh tế không thể nào bảo đảm được và kì vọng
không ngừng gia tăng của người dân sẽ không thể đáp ứng nổi, mà còn vì tăng trưởng
kinh tế bền vững tạo ra những thay đổi kinh tế xã hội về mặt cấu trúc, như
các nghiên cứu khoa học xã hội và lịch sử của quá trình chuyển đổi dân chủ đã
cho thấy, vốn gây đe dọa có tính sống còn đến sự kéo dài của chế độ chuyên
quyền.
Chế độ chuyên quyền buộc phải ngã giá kiểu Faust [bán linh
hồn cho quỷ Satan đổi lấy những tiện ích trần tục] với tính chính đáng
dựa trên thành tựu, chắc chắn sẽ bị thua cược vì những thay đổi kinh tế xã hội
do tăng trưởng kinh tế sẽ tăng cường khả năng tự chủ của các lực lượng xã hội ở
thành thị, như doanh nhân, trí thức, chuyên gia, tín đồ tôn giáo, và công nhân
bình thường thông qua các cấp văn hoá cao hơn, tiếp cận nhiều hơn với các thông
tin, tích lũy của cải riêng tư, và năng lực tổ chức hành động tập thể đuợc
nâng cao. Nghiên cứu khoa học đã xác lập một mối tương quan mạnh mẽ giữa mức độ
phát triển kinh tế và sự tồn tại của nền dân chủ cũng như giữa thu nhập tăng
cao và xác suất sụp đổ của các chế độ chuyên quyền.[8]
Trong thế giới hiện đại, mối quan hệ tích cực giữa sự giàu có (đo bằng thu nhập
bình quân đầu người) và dân chủ có thể được nhìn thấy trong biểu đồ dưới đây,
nó cho thấy rằng tỉ lệ phần trăm dân chủ (hay “tự do” - theo phân loại của
Freedom House) tăng lên đều đặn khi mức thu nhập tăng lên. Các nước tự do một
phần giảm đi khi thu nhập tăng lên. Sự phân bố của các chế độ phi dân chủ, hoặc
các chế độ độc tài, có dạng giống hình chữ U. Trong khi nhiều chế độ độc tài có
thể tồn tại ở các nước nghèo (2/5 các nước dưới đáy về thu nhập bình quân đầu
người), sự hiện diện của các chế độ này ở 2/5 các nước trên đỉnh dường như
bác bỏ quan điểm cho rằng sự giàu có tương quan thuận với dân chủ. Tuy nhiên,
khi nhìn sâu hơn về các dữ liệu, có thể thấy rằng gần như tất cả các nước
giàu cai trị bởi chế độ độc tài là những nước sản xuất dầu mỏ, ở đó giới cầm
quyền có khả năng tài chính để mua chuộc người dân chấp nhận sự cai trị độc đoán.[9]
Nguồn: Tính toán sử dụng dữ liệu thu nhập dựa trên
sức mua trên đầu người (PPP) do Ngân hàng Thế giới cung cấp. Chỉ số tự do do
Freedom House cung cấp.
Nếu như nhìn vào biểu đồ này, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ phải
lo lắng về triển vọng trung hạn và dài hạn của họ. Có 87 quốc gia có thu nhập đầu
người, được đo theo PPP, cao hơn Trung Quốc. Có 58 nuớc trong số đó là dân chủ,
11 được Freedom House phân loại là “tự do một phần”, và 18 là độc tài ( “không
tự do”, theo Freedom House). Nhưng trong số 18 quốc gia “không tự do” với thu
nhập bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc thì 16 là nuớc dầu hoả (Belarus cũng
nằm trong nhóm này vì được Nga cung cấp năng lượng với trợ cấp đáng kể). Hai
quốc gia không có dầu là Thái Lan (một chế độ độc tài quân sự đã lật đổ chế độ
nửa dân chủ vào năm 2014) và Cuba (cũng là nền độc tài độc đảng Leninist).
Trong số 11 quốc gia tự do một phần, Mexico và Malaysia là hai nước sản xuất
năng lượng đáng kể còn Kuwait và Venezuela các nước dầu hoả từ lâu. Cái sẽ cho
các nhà lãnh đạo ĐCSTQ thậm chí nhiều lí do để lo lắng là thu nhập bình quân đầu
người Trung Quốc là $13 216 (PPP) năm 2014 tương đương với Đài Loan và Hàn Quốc
trong những năm cuối thập niên 1980, khi cả hai bắt đầu dân chủ hoá.[10]
Nếu như kinh nghiệm chuyển đổi chế độ tại các nước thu nhập trung bình cao, bao
gồm cả Đài Loan và Hàn Quốc, được áp dụng thì ĐCSTQ sẽ phải trông chờ đòi hỏi
và vận động xã hội cho thay đổi chính trị sẽ tăng trong thập kỉ tới (một số dấu
hiệu của sự vận động này có thể đã được phát hiện).
Hệ quả duy nhất có thể rút ra từ phân tích này là, trừ khi
Trung Quốc muốn theo gương của Cuba và duy trì một nền kinh tế khép kín để đảm
bảo sự tồn tại của chế độ độc đảng, TQ sẽ phải đối mặt với việc giảm cơ may
trong việc tiếp tục nắm giữ quyền lực (với điều kiện không có điều kì diệu làm
Trung Quốc trở nên một tương đương của Saudi Arabia). Nhưng vì Trung Quốc sẽ
không bao giờ là một nước dầu hoả, ĐCSTQ có thể có một cơ hội sống sót dài hạn
bằng cách đưa ra một hình thức chính trị cạnh tranh nào đó và trở thành một chế
độ “tự do một phần” (bước tiến quyết định ra khỏi hiện trạng Leninist của chế độ).
Hoặc cách khác, ĐCSTQ có thể chống lại thậm chí các cải cách ôn hòa và đánh cược
sự tồn tại của mình với việc leo thang đàn áp và châm dầu chủ nghĩa dân tộc.
Phán đoán từ các chính sách và biện pháp của lãnh đạo ĐCSTQ hiện
tại, đảng dường như có ý định đánh cược với lịch sử. Trong ba năm qua, đảng đã
tăng cường đàn áp rất nhiều. Trong những bước đáng chú ý nhất, ĐCSTQ đã hùng
hổ thắt chặt kiểm duyệt internet, truyền thông xã hội, và báo chí, thông qua
luật an ninh quốc gia được thảo ra chủ yếu nhằm ngăn bớt các tổ chức phi chính
phủ và đảm bảo an toàn cho chế độ, phá hủy hàng trăm thánh giá nhà thờ để hạn
chế quyền tự do tôn giáo, tăng cường kiểm soát tư tưởng tại các trường đại học,
và bắt giữ hàng chục luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động dân sự về những tội
danh vu vạ. Trong nhiều cách, mức độ đàn áp hiện nay là cao hơn so với bất kì
lúc nào kể từ cuộc đàn áp Thiên An Môn.
Đáng lo ngại không kém nhưng nguy hiểm hơn là việc leo thang hô
hào chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa của Bắc Kinh. ĐCSTQ thực hiện tất cả, ngoại trừ
từ bỏ chủ trương giấu mình chờ thời và chính sách đối ngoại không đối đầu của Đặng
Tiểu Bình, nghiêng về một chiến lược cơ bắp hơn với bên ngoài đưa Trung Quốc
vào tiến trình va chạm với Hoa Kì. Bằng chứng của việc Bắc Kinh vực dậy việc
hô hào lại chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại quyết đoán có thể được tìm
thấy trong việc dàn dựng cuộc diễu quân đầu tiên kỉ niệm ngày Nhật Bản thua Thế
chiến II (mặc dù ĐCSTQ quá lắm chỉ giữ một vai trò bên lề trong chiến tranh),
trong chiến dịch tuyên truyền kỉ niệm “Giấc mơ Trung Quốc” (mà bản chất là sự
hồi sinh Trung Quốc như một cường quốc lớn), trong đòi hỏi gần như rõ ràng được
sánh ngang với Hoa Kì (diễn đạt bằng lời kêu gọi của Bắc Kinh về “loại quan hệ
mới giữa các cường quốc lớn”), trong các cuộc tấn công không ngừng nghỉ mạng
của chính phủ và các cơ sở thương mại Mỹ, và trong các hành động khiêu khích
và nguy hiểm tới hạn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông (lập vùng nhận dạng phòng
không đầy tranh cãi bên trên Quần đảo Senkaku / Điếu Ngư đang tranh chấp cùng
với bồi đắp đất hàng loạt và xây dựng đảo trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông).
Nếu ĐCSTQ tin rằng việc leo thang đàn áp và chủ nghĩa dân tộc sẽ
cho phép họ duy trì quyền lực trong giai đoạn có sự đảo lộn trong giới chủ chốt,
thành tựu kinh tế suy giảm, và căng thẳng xã hội tăng cao thì họ cần phải cân
nhắc những rủi ro to lớn và cái giá phải trả cho chiến lược sinh tồn mới này.
Ngoài việc đưa Trung Quốc thụt lùi, chiến lược này nguy hiểm và không hề bền vững.
Đàn áp có thể có tác dụng trong một giai đoạn, nhưng các chế độ chuyên quyền
quá phụ thuộc vào nó phải được chuẩn bị leo thang sử dụng bạo lực liên tục và
áp dụng các biện pháp hà khắc hơn bao giờ hết để ngăn chặn các lực lượng đối lập.
Đàn áp cũng có thể có hại cho doanh nghiệp vì nhà cầm quyền buộc phải cắt giảm
các luồng thông tin và tự do kinh tế để đảm bảo an ninh của chế độ. (Trên thực
tế, các công ti phương Tây đã phàn nàn về những bất tiện gây ra bởi Great
Firewall [tường lửa]). Nâng cao mức độ đàn áp khi nền kinh tế đang chìm vào trì
trệ sẽ làm căng thẳng nguồn lực của ĐCSTQ vì đàn áp đòi hỏi phải duy trì một mạng
lưới hao tốn những kẻ chỉ điểm, cảnh sát chìm, kiểm duyệt, và các lực lượng bán
quân sự. Đàn áp cũng phải gánh chịu chi phí rất lớn về đạo đức và có thể kích động
một cuộc tranh luận chia rẽ trong lòng chế độ. Đặt câu hỏi một cách thẳng
thừng: Liệu Trung Quốc thật sự sẵn sàng để trở thành một Bắc Triều Tiên?
Lợi dụng chủ nghĩa dân tộc và trương cơ bắp có thể mang lại lợi
ích chính trị ngắn hạn, nhưng chỉ với cái giá phải trả là tình trạgn an ninh
lâu dài của ĐCSTQ. Một trong những lựa chọn chiến lược khôn ngoan nhất do Đặng
Tiểu Bình thực hiện là phát triển quan hệ thân thiện với phương Tây do Mỹ đứng
đầu để đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc. Trong thời kỳ hậu Đặng
Tiểu Bình, hai người tiền nhiệm của Tập Cận Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm
Đào, cũng đã học được bài học quan trọng từ sự sụp đổ của Liên Xô: một cuộc
xung đột chiến lược với Hoa Kì sẽ gây nguy hiểm đến sự sống còn thật sự của
ĐCSTQ. Chi phí của một cuộc chạy đua vũ trang mới là khó có thể kham nổi, và sự
thù địch dứt khoát trong quan hệ Trung-Mỹ sẽ phá hủy quan hệ kinh tế song
phương.
Hiện chưa rõ liệu lãnh đạo ĐCSTQ có hiểu hết những nguy cơ của
chiến lược sinh tồn mới và vẫn còn phát triển của họ hay không. Nếu các thành
viên của nó tin chắc rằng rằng chỉ có chiến lược này mới có thể cứu vản được
quyền cai trị của ĐCSTQ, hiện đang bị đe dọa bởi việc gãy đổ của những trụ cột
chính của mô hình hậu Thiên An Môn, thì có khả năng họ sẽ tiếp tục trên con đường
hiện nay. Trớ trêu thay, con đường đó, nếu phân tích bên trên là đúng, càng chắc
chắn hơn sẽ đẩy nhanh hơn là ngăn chặn sự sụp đổ của ĐCSTQ.
---------------------
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là giáo sư về Chính quyền tại
Claremont McKenna College và một thành viên cao cấp không thường trú của Quỹ
Marshall Đức của Hoa Kì. Cuốn sách mới nhất của ông, China’s Crony Capitalism:
Dynamics of Regime Decay [Chủ nghĩa tư bản bè cánh của Trung Quốc: Động lực
làm phân rã chế độ], sẽ được Đại học Harvard xuất bản vào năm 2016. Bài viết
này được rút ra từ một dự án nghiên cứu lớn hơn về quá trình chuyển đổi chế độ
có khả năng xảy ra của Trung Quốc được ủng hộ tài chính từ Quỹ Smith
Richardson, Tổng công ti Carnegie của New York, và Quỹ John D. và Catherine T.
MacArthur
[1] Các tài liệu về "sự độc tài bền vững" của
Trung Quốc là rất nhiều. Công trình tiêu biểu bao gồm Andrew J. Nathan,
“Authoritarian Resilience" (Tính bền vững của độc tài)", Journal
of Democracy (tháng 1 năm 2003); David L. Shambaugh, China’s Communist Party:
Atrophy and Adaptation (Đảng Cộng sản Trung Quốc: Hao mòn và thích ứng)
(University of California Press, 2008).
[2] Andrew Nathan thừa nhận năm 2013 rằng, "Sự đồng
thuận mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào kể từ cuộc khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 tới
mức tính bền vững của chế độ độc tài ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC)
đang đến gần giới hạn của nó." Nathan, “Foreseeing the Unforeseeable,”
["Nắm bắt cái có thể lường trước,"] trong Andrew Nathan, Larry
Diamond, và Marc Plattner, eds., Will China Democratize? [Trung Quốc sẽ dân chủ
hóa?] (Johns Hopkins University Press, 2013); David Shambaugh xuất bản một bài
luận dài với nhiều ghi chú, “The Coming Chinese Crackup,”[Sự nứt rạn đang tới của Trung Quốc," trên tờ
Wall Street Journal ngày 06 tháng 3 năm 2015 cho rằng các nước cờ tàn [endgame]
cho chế độ CPC đã bắt đầu.
[3] Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization
in the Late Twentieth Century [Làn sóng thứ ba: Dân chủ hóa cuối thế kỉ 20] (Đại
học Oklahoma Press, 1993); Guillermo O'Donnell và Philippe C. Schmitter,
Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain
Democracies [Chuyển đổi khỏi nền cai trị độc tài: Kết luận dự kiến về các nền
dân chủ bất ổn] (Johns Hopkins University Press, 2013).
[4] Xem Aviezer Tucker, “Why We Need Totalitarianism”[Tại sao chúng ta cần chế độ độc tài], The American
Interest (May / June 2015).
[5] Cai Fang Wang Dewen, “Impacts of Internal Migration
on Economic Growth and Urban Development in China,” [Tác động của Di dân tới
tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị ở Trung Quốc], trong Josh DeWind và
Jennifer Holdaway, eds., Migration and Development Within and Across Borders
[Di dân và Phát triển bên trong và xuyên qua biên giới] (The Social Science
Research Council, 2008.)
[6] Tài liệu về nhà nước trấn lột và tổ chức bòn rút là rất
nhiều. Các công trình có ảnh hưởng nhất là Daron Acemoglu và James Robinson,
Why Nations Fail [Tại sao các quốc gia thất bại] (Crown Publishing, 2012);
Douglass North, Institutions, Institutional Change and Economic Performance [Tổ
chức, thay đổi thể chế và hiệu suất kinh tế] (Cambridge Universitỉ Press,
1990).
[7] Sự kém hiệu quả rất lớn của các doanh nghiệp nhà nước,
so với sự năng động của khu vực tư nhân của Trung Quốc, được nêu chi tiết trong
Nick Lardy, Markets over Mao: The Rise of Private Business in China [Thị trường
vượt qua Mao: Sự trỗi dậy của Doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc] (Viện kinh tế
quốc tế Peterson, năm 2014)
[8] Seymour Martin Lipset, “Some Social Requisites of
Democracy: Economic Development and Political Legitimacy,” [Một số đòi hỏi xã hội
phải có cho dân chủ: Phát triển kinh tế và tính chính đáng chính trị], American
Political Science Review (tháng 3 năm 1959); Adam Przeworski, Democracy and
Development: Political Institutions and Well-Being in the World, 1950–1990 [Dân
chủ và phát triển: thể chế chính trị và tình trạng hạnh phúc trên thế giới,
1950-1990] (Cambridge Universitỉ Press, 2000).
[9] Nghiên cứu khoa học cũng đã xác lập một liên kết mạnh
mẽ giữa dầu hoả và độc tài. Xem Michael Ross, “Does Oil Hinder Democracy?” [Liệu
Dầu kiềm hãm Dân chủ?" World Politics (tháng 4 năm 2001).
[10] Yu Liu và Dingding Chen, “Why China Will
Democratize,” [Tại sao Trung Quốc sẽ dân chủ hóa], Washington Quarterly (mùa đông
năm 2012).